Chương trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm: Hiệu quả rõ rệt

Chương trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm: Hiệu quả rõ rệt
Sau hơn một năm triển khai Quyết định số 2801/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về huy động trực tiếp vốn của hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm đã huy động được nguồn vốn lên tới 80 tỷ đồng, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Trước năm 2010, ngành chăn nuôi ở Hà Nội phát triển theo xu hướng phân tán, quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tỷ lệ thụ tinh trên đàn bò, lợn còn thấp, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tổng đàn lợn lúc đó khoảng 1.625.165 con, quy mô chăn nuôi bình quân 4,2 con/hộ, trong đó hộ nuôi trên 51 con chiếm 0,36%. Toàn thành phố có 472 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư với số lợn nuôi thường xuyên là 155.000 con; bò thịt, bò sinh sản có 176.172 con; bò sữa 8.470 con, quy mô bình quân 3,26 con/hộ.

Từ khi thành phố có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn, đặc biệt là sau khi có Quyết định 2801, ngành chăn nuôi Hà Nội đã có nhiều khởi sắc. Trong đó thay đổi lớn nhất là hình thành các mối liên kết hợp tác chăn nuôi với các tỉnh bạn để tạo ra lượng sản phẩm chăn nuôi lớn, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và góp phần bình ổn thị trường; tổ chức xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm giữa doanh nghiệp, cơ sở hoặc các hộ chăn nuôi với các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và nơi tiêu thụ sản phẩm; liên kết các hộ nông dân sản xuất theo từng ngành hàng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Phong trào chăn nuôi bò sữa cũng phát triển ngày càng ổn định và đi vào chiều sâu ở 10 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm của huyện Ba Vì như Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh… Tại các địa phương này, số lượng đàn bò sữa, sản lượng sữa tươi và quy mô chăn nuôi tăng nhanh. Tính đến thời điểm tháng 12/2012, tổng đàn bò sữa ở 10 xã là 9.084 con (tăng 1.312 con), số hộ chăn nuôi bò sữa là 2.450 hộ, quy mô 3,69 con/hộ, sản lượng sữa 74 tấn/ngày (chiếm 79,2% sản lượng sữa toàn thành phố), giá trị thu nhập ước đạt 100 tỷ đồng.

Tại 10 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt là Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm), Tự Lập (Mê Linh), Minh Trí (Sóc Sơn), Lam Điền (Chương Mỹ), Kim An (Thanh Oai), Đông Yên (Quốc Oai), Minh Châu (Ba Vì), Thượng Cốc (Phúc Thọ), Đồng Tâm (Mỹ Đức), hiện số lượng đàn bò lên tới 14.865 con. Từ khi triển khai chương trình phát triển chăn nuôi trọng điểm, chất lượng đàn bò ở những xã này được cải thiện rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là những vùng sản xuất giống bò hướng thịt cung cấp cho Hà Nội và các vùng lân cận. 

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại phát triển mạnh tại xã Cổ Đông (Sơn Tây) với hơn 2.000 con nái/15 trại, 124.000 con lợn thịt/68 trại; vùng chăn nuôi Vạn Thái, xã Sơn Công (Ứng Hòa) có gần 10.000 con lợn…

Vùng chăn nuôi gà quy mô lớn tập trung tại 11 xã trọng điểm thuộc các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây…với tổng số 548 trang trại/2.700.064 con.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2015, các huyện ngoại thành giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 70% hiện nay xuống còn 40%; quy mô nuôi ở các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm ngoài khu dân cư được mở rộng và xây dựng khoảng 15 xã chuyên chăn nuôi bò sữa; đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 55% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp trong thời gian tới của Hà Nội là tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn, hỗ trợ cho hộ chăn nuôi một số nội dung như phát triển chăn nuôi theo cơ chế phát triển sạch, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi của thành phố như gà Mía, vịt Vân Đình, vịt Đại Xuyên, trứng vịt Liên Châu, gà đồi Sóc Sơn…; đồng thời giới thiệu quảng bá và đưa sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc lên cửa hàng, sàn giao dịch để người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Đánh giá cao hiệu quả của chương trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm của Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, thời gian tới, ngoài việc thành phố quan tâm xem xét tới những ý kiến của người chăn nuôi, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tạo điều kiện hỗ trợ TP. Hà Nội thông qua các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực ngành chăn nuôi. Việc quan trọng không kém nữa là cần sớm ban hành quy hoạch chung cho ngành chăn nuôi để các hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất.


Thành Vinh
Nguồn:kinhtenonghton.com.vn