Chuyện những ngư dân bám biển

Chuyện những ngư dân bám biển
Với chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển, những năm qua ở Quảng Trị xuất hiện nhiều nhân tố, mô hình làm ăn mới có hiệu quả, tạo điều kiện thay đổi nhận thức và hành động trong khai thác kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!

Làm giàu từ biển

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại vùng lạch Cửa Việt, thuộc địa bàn thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Dưới cái nắng vàng nhạt, không khí chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới của ngư dân nơi đây diễn ra khá tất bật. Bên cạnh các cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền, từng tốp thợ đang hăng say với công việc cho kịp những chuyến tàu hạ thủy ra khơi, cánh phụ nữ, trẻ em cũng góp sức cho vụ mùa mới bằng việc kiểm tra, khâu vá lại ngư lưới cụ… 

Anh Võ Linh Quyền ở khu phố 5, một ngư dân có đội tàu đánh bắt xa bờ cho biết: “Năm 1997, khi đang gặp khó khăn về nguồn vốn nâng cấp, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để khai thác xa bờ thì nhận được chủ trương cho vay vốn ưu đãi theo Quyết định 393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp cận được nguồn vốn, gia đình đã đóng mới 1 tàu có công suất 165CV để ra khơi khai thác xa bờ. Có tàu mới, ngư cụ không ngừng được đầu tư, ngư trường rộng lớn cộng với ý chí bám biển làm giàu, thu nhập từ đội tàu cứ tăng dần qua năm tháng. Đến nay, gia đình đã có 2 chiếc, mỗi chiếc công suất 300CV, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như kho bảo quản, hệ thống thông tin liên lạc, ra-đa, máy định vị để phục vụ tốt hành trình đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến 20-25 ngày. Từ đó đội tàu đã có điều kiện tiếp cận các ngư trường tiềm năng ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để đánh bắt các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá nhám, cá cờ, cá ngừ vây vàng… Sản lượng đánh bắt hàng năm từ 100- 130 tấn/tàu, doanh thu trên 2 tỷ đồng/tàu, giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho hơn 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng”.

Khác với đội tàu của anh Quyền, Tổ hợp tác đánh bắt và dịch vụ chế biến thủy sản Tiến Phát ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (huyện Gio Linh) là sự gắn kết của những con người dám nghĩ, dám làm, biết liên kết, tương trợ lẫn nhau trong việc bám biển làm giàu. Năm 2010, nhận thấy nhu cầu cần phải liên doanh, liên kết để có điều kiện khai thác, cạnh tranh trong đánh bắt và chế biến thủy sản, 6 hộ dân ở thôn Xuân Tiến đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác đánh bắt và dịch vụ chế biến thủy sản Tiến Phát. Anh Nguyễn Công Bắc, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Sau khi thành lập, Tổ hợp tác đã định hình và ổn định sản xuất. Hiện, chúng tôi có 3 cơ sở chế biến thủy sản đóng tại địa phương với công suất 15 tấn/ngày, 3 tàu đánh bắt thủy sản, trong đó có một tàu dịch vụ vận chuyển hải sản đánh bắt được và trực tiếp thu mua thủy sản phục vụ nhu cầu chế biến của 3 cơ sở trên”. 

Cũng theo anh Bắc, hàng năm, kết quả kinh doanh chế biến thủy sản của Tổ hợp tác đạt gần 3,5 tỷ đồng; dịch vụ đánh bắt đạt gần 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận đạt gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nhàn rỗi ở địa phương và các vùng lân cận.

Vẫn còn trăn trở

Là người có thâm niên đi biển, anh Quyền chia sẻ: “Xác định nghề nghiệp gắn bó cả đời với biển, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì các quy định nghiêm khắc trong nghề cá luôn được đề cao. Để hoạt động đánh bắt hải sản lâu dài, các tàu thuyền trên biển luôn đảm bảo ngư lưới cụ đánh bắt theo đúng quy định như lưới đúng kích cỡ, đèn sáng đúng công suất, đặc biệt kịch liệt lên án và trình báo với các cơ quan chức năng nếu tàu thuyền nào vi phạm các quy định về đánh bắt bằng các phương tiện đã cấm”. 

Bên cạnh đó, các ngư dân phải luôn tuân thủ các quy định về lãnh thổ và ý thức về chủ quyền vùng biển của quốc gia. Chính vì vậy, mối liên kết trên biển giữa các ngư dân không ngừng được phát huy nhằm giúp nhau khi có sự cố về thiên tai hoặc gặp nạn. Tuy nhiên, trong điều kiện khai thác hiện nay, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu, tình hình an ninh trật tự trên biển đang có những diễn biến xấu, trong khi phương tiện đánh bắt chưa lớn, các thiết bị thông tin liên lạc, bảo hộ, cứu hộ, cứu nạn chưa đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khai thác hải sản. Nếu các vấn đề trên được cấp có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ thì kinh tế biển, đảo của tỉnh Quảng Trị sẽ có bước phát triển tích cực hơn.

Gia Thi (kinhtenongthon.com.vn)