Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
- Thứ tư - 14/12/2016 01:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất ngũ trở về quê hương năm 1985, bác Sơn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương và hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Long. Trong quá trình tuyên truyền chính sách phát triển kinh tế, vận động người dân mạnh dạn xây dựng mô hình, bác luôn tự hỏi: “Sao mình không thử sức?”. Hơn nữa, người dân Thạch Long còn nghèo, phụ thuộc nhiều vào cây lúa, lại càng thôi thúc bác phải làm gì đó để giúp họ vơi bớt khó khăn.
Bác Lê Đăng Sơn (áo xanh, giữa) chia sẻ thông tin về phát triển kinh tế cho đoàn cán bộ, nông dân tỉnh Quảng Ninh trong chuyến tham quan, học tập mô hình sản xuất tại Hà Tĩnh.
Với những gì đã kinh qua cùng tấm bằng trung cấp kinh tế, bác Sơn bắt tay vào “mặt trận mới”. Nhiệt huyết và năng lực là yếu tố làm nên thành công của người lính già. Vừa tìm hiểu thế mạnh của địa phương, vừa đi tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở các vùng khác, cuối cùng, bác chọn phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, không phải làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún mà bác thành lập HTX Chăn nuôi lợn Thạch Long và bắt tay liên kết với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco). Bác Sơn cho hay: “Chỉ khi nào có doanh nghiệp làm “đầu kéo” mới mong phát triển bền vững. Được cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra theo giá thị trường, bà con đều phấn khởi mở rộng mô hình. Hiện, tôi đã hình thành được 48 hộ nuôi vệ tinh với quy mô 20-30 con/lứa. Ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng nay bộ máy đã vận hành hiệu quả”.
Đầu tư vào nông nghiệp với hình thức HTX trong khi nhiều HTX hiện nay rơi vào cảnh trì trệ, thua lỗ, người CCB không khỏi trăn trở, suy nghĩ và hiểu rằng, chỉ có phương án SXKD thực sự hiệu quả mới mong thành công. Trong đó, KHKT, nguồn vốn đầu tư là những yếu tố then chốt. Và không ai khác, chính bác lại trở thành cầu nối để đưa chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Nhà nước tới gần người nông dân, để họ được hưởng lợi nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, yên tâm đầu tư mở rộng quy mô. Đặc biệt, CCB Lê Đăng Sơn luôn quán triệt các thành viên phải hướng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm - vấn đề ngành chăn nuôi hiện đại đang đặt ra.
Cái nghèo đeo bám người dân luôn khiến bác trăn trở, nay HTX ăn nên làm ra, nhiều hoàn cảnh, số phận đổi thay, với bác là niềm vui khôn tả. Chị Lê Thị Lan vui mừng: “Trước đây, gia đình chỉ phụ thuộc vào vài ba sào ruộng nên rất chật vật. Từ khi được bác Sơn giúp đỡ, “bày” cho cách làm ăn thì cứ 3 tháng một, lợn lại xuất chuồng đều đều. May mắn, chúng tôi đã thoát nghèo, con cái học hành tiến tới, lại xây được căn nhà khang trang, không niềm vui nào bằng”.
Mô hình kinh tế của người lính già nay đã là địa điểm tham quan, học tập của nhiều bà con trong tỉnh. Cứ như thế, trong vai người nông dân chân chất, thân thiện, vừa như nhà khoa học với quy trình nuôi nghiêm ngặt, lại như nhà kinh tế trong việc hạch toán kinh phí, bác Sơn say sưa chia sẻ để những người bập bẹ đến với chăn nuôi có kinh nghiệm bước vào thực tiễn. Nhiều người thường ví bác là người “thổi” thành công vào các mô hình kinh tế.
Theo Thu Phương/baohatinh.vn