Đảng viên trẻ và khát vọng làm giàu

Đảng viên trẻ và khát vọng làm giàu
Cát Tiên là một trong những huyện xa xôi và khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Mỗi năm, có hàng trăm thanh niên về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận kiếm sống bằng đủ nghề. Song, cũng có những người đã trụ lại và làm giàu trên chính vùng đất khó này. Tiêu biểu trong số đó là đảng viên trẻ, thủ lĩnh đoàn thanh niên Hoàng Xuân Cường, Phó Bí thư Đoàn xã Phù Mỹ, Cát Tiên, Lâm Đồng.


                               
                                              Hoàng Xuân Cường bên vườn dâu nhà mình.

Đất không phụ lòng người

Những ngày này ở xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), bà con nông dân đang khẩn trương vào vụ tằm mới. Những cánh đồng, vườn tược của nhân dân trong vùng trải một màu xanh biếc của dâu và rộn ràng những nong tằm nhả kén. Đa số nhân dân trong xã là người đất võ Bình Định lên đây lập nghiệp, mang theo đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và chắt chiu dành dụm. Xã nằm trong vùng “rốn” của sông Đồng Nai, đất đai khô cằn, vào mùa lũ thì nước ngập tới nóc nhà, trồng trọt, chăn nuôi đều không mang lại kết quả. Tuy nhiên, loại đất ở đây lại rất thích hợp với cây dâu-tằm. Hiện nay, nghề tằm đang được nhân rộng, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, dần vươn lên khá giả.

Anh Hoàng Xuân Cường (nhà ở thôn 4) là người gốc Nam Định vào Phù Mỹ (Cát Tiên) lập nghiệp cùng gia đình từ năm 1980. Trải qua một thời gian dài lam lũ trồng khoai, lúa, bắp nhưng gia đình anh vẫn nghèo. Học hết lớp 11 (năm 1997), anh phải nghỉ học để ở nhà mưu sinh. Năm 1998, Cường cưới vợ và được cha mẹ cho 2,5 sào đất vườn làm vốn liếng. Nhờ tham gia công tác đoàn của địa phương, Cường được tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phổ biến kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, anh đã bàn với gia đình và quyết định dùng toàn bộ diện tích đất cha mẹ cho để đầu tư vào nghề dâu tằm. Những mùa dâu tằm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, chàng nông dân trẻ đã gặp không ít thất bại. Nhưng anh không hề nản chí mà tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi học hỏi và làm lại.

Từ 2,5 sào đất gia đình cho lúc ra ở riêng, vợ chồng anh đã cần mẫn chăm chút từng luống dâu, nong tằm. Khi đã có thu nhập bước đầu, Xuân Cường mua thêm đất để mở rộng diện tích cây dâu và mạnh dạn đầu tư những lứa tằm lớn dần lên. Lặng lẽ hơn 10 năm cần cù, chịu khó gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”, đến nay đôi vợ chồng trẻ đã có 1,5 ha đất chuyên trồng dâu tằm. Để nâng cao lợi nhuận từ nghề tằm, Xuân Cường đã chuyển đổi từ việc nuôi tằm và bán kén sang ươm tằm giống bán cho nông dân trong vùng. Chính cách làm mới này đã giúp gia đình anh vươn lên khá giả. Cường cho biết, hơn 5 năm nay, anh “hợp tác” với gia đình người cậu ruột để hùn vốn và sản xuất tằm con giống. Mỗi tháng, hai gia đình cho ra lò 4 lứa tằm con, trung bình 250 hộp (mỗi hộp bán 170.000 đồng). Tính sơ tiền bán tằm giống thu về 42,5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân hằng tháng của gia đình anh cũng vài trục triệu đồng, một con số đáng mơ ước ở mảnh đất nghèo khó này.

Công tác đoàn - chiếc nôi giúp làm nên cơ nghiệp

Hoàng Xuân Cường tâm sự: “chiếc nôi” Đoàn thanh niên đã giúp anh có được cơ nghiệp hôm nay. Với đức tính cần cù, chịu khó trong mưu sinh, lập nghiệp; sự đam mê, ham thích công tác phong trào của tuổi trẻ, anh đã sớm bén duyên với công tác đoàn của địa phương. Qua thời gian hoạt động, anh được bạn trẻ trong vùng tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi đoàn thôn (năm 1997); năm 2001, anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Khi trở thành thủ lĩnh thanh niên, anh được tổ chức đoàn hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Sau khi thành công, anh tìm cách động viên, giúp đỡ các hộ thanh niên nghèo trong xã vươn lên lập nghiệp. Cũng chính từ môi trường của đoàn thanh niên, anh đã được rèn luyện, bồi dưỡng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2001).

Trong suy nghĩ của anh, là một đảng viên trẻ, một cán bộ đoàn thì không chỉ biết làm giàu kinh tế cho riêng gia đình mình mà phải tham gia công tác xã hội để không ngừng cống hiến và trưởng thành. Không những thế, khi đã ổn định về kinh tế, quyết tâm quay trở lại con đường học vấn dở dang ngày trước, bởi theo anh “làm cán bộ mà học hành chưa đến nơi đến chốn thì coi sao được”? Năm 2006, “triệu phú nông dân trẻ" Hoàng Xuân Cường xin đi học trở lại và lấy bằng tốt nghiệp THPT; năm 2007, anh tiếp tục học trung cấp Công an tại Đà Lạt.

Gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng để vươn lên làm giàu trên vùng đất khó và cống hiến cho địa phương, đảng viên trẻ, thủ lĩnh thanh niên Hoàng Xuân Cường thật sự là tấm gương tiêu biểu cho tuổi trẻ dám nghĩ dám làm.                                  
 
Nguyễn Thanh HồngBan Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng (Số 10 Lê Hồng Phong, Đà Lạt)
Nguồn :http://www.xaydungdang.org.vn