Đào tạo nghề cho các làng nghề
- Thứ ba - 06/03/2012 19:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo kết quả điều tra của Tổ chức JICA (Nhật Bản) hiện nay, Việt Nam có 2.017 làng nghề, nhưng theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có 2.790 làng nghề, nhiều làng nghề có bề dày lịch sử khoảng 300 năm. Làng nghề phát triển chủ yếu ở hai bên sông Hồng và khu vực lân cận, thu hút khoảng 20 triệu lao động, trong đó 30% số lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, đào tạo lao động làng nghề là một trong những việc làm quan trọng nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề. Đây là một hình thức để nâng cao thu nhập của người nông dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đào tạo một triệu lao động mỗi năm theo Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956. Đây là một hình thức để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của LĐNT; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng làng nghề mới là một trong ba mô hình được hiệp hội và Tổng cục Dạy nghề triển khai nhằm tạo việc làm cho nông dân, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nghề truyền thống với quy mô công nghiệp góp phần phát triển các làng nghề, nâng cao đời sống nông dân, nông thôn. Để các làng nghề được duy trì và phát triển thì nhất thiết phải quan tâm tới sự hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường và gìn giữ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn phát triển sản xuất với du lịch và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm. Có thể nói, đó là cơ hội không chỉ giúp cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị làng nghề có hiệu quả mà còn góp phần giải quyết một lượng lớn lao động, nhất là ở khu vực nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay việc truyền nghề chủ yếu bằng phương pháp hướng dẫn, chỉ bảo... trực tiếp bởi các nghệ nhân cao tuổi. Phương pháp này tuy tốn ít kinh phí, dễ học, dễ dạy nhưng có nhiều nhược điểm như thiếu chuẩn xác, thiếu sự đóng góp hoàn thiện của tập thể bởi mỗi nghệ nhân truyền một kiểu, do đó, nếu công việc không ổn định có thể bị thất truyền. Thực tế, các làng nghề hiện rất thiếu nguồn nhân lực khi số lao động tại các làng nghề có khuynh hướng để làm các công việc khác mà không tha thiết đến nghề truyền thống của cha ông, vấn đề nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, vốn, tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề đào tạo, tuyển sinh và sau đào tạo… Vì vậy, Nhà nước cần có chương trình sưu tầm và biên soạn các quy trình công nghệ, sách dạy nghề cho việc sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống. Việc đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động làng nghề có 3 cấp độ: Đào tạo cho lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề thông thạo; bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề, nhưng tay nghề chưa đủ mức thành thạo để trở thành thợ giỏi; bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho nghệ nhân. Do đó, với mỗi đối tượng và trình độ cần có chương trình, giáo trình phù hợp với những phương thức dạy nghề linh hoạt.
Cùng với đó, các làng nghề cần chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, thẩm mỹ cho đội ngũ thợ giỏi trong làng nghề để nâng cao khả năng sáng tạo trong sản xuất cũng như tham gia tốt vào công tác dạy nghề tại địa phương. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo bài bản, gắn với công nghệ hiện đại. Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác đào tạo nghề cho các làng nghề hiện nay là liên kết, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Bởi nhu cầu sử dụng lao động chính là "đầu ra” của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì với trình độ nào.