Dạy nghề cho nông dân xuất ngoại
- Thứ tư - 15/05/2013 00:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hướng tới lao động nghèo
Cuối tháng 4 vừa qua, 55/95 học viên của khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí đầu tiên dành riêng cho lao động nông thôn đi XKLĐ ở Quảng Ngãi đã được đưa vào TP.Hồ Chí Minh kiểm tra ngoại ngữ để chuẩn bị sang nước bạn làm việc. Sau đó số học viên này sẽ quay trở lại lớp để cùng với các học viên khác tiếp tục hoàn tất khóa học (3 tháng) và tập huấn 2 tháng trước khi làm thủ tục đi làm việc tại Nhật Bản.
Học viên lớp dạy nghề miễn phí học nghề tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. |
Học viên Phạm Văn Lĩa ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ bày tỏ: “Em tham dự lớp học này với mong muốn sẽ được làm nghề gò hàn tại Nhật Bản”. Những lao động như Lĩa, nếu được sang Nhật sẽ tham gia lao động trong các ngành chế biến thủy sản, cơ khí, may, với thời gian lao động 3 năm, lương bình quân 35 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của T.Ư và địa phương, hàng ngàn lao động ở các vùng nông thôn và miền núi Quảng Ngãi đã được học nghề và đi XKLĐ. Mới đây nhất, một lớp dạy tiếng Nhật cũng được mở ở Quảng Ngãi nhưng học viên phải đóng từ 1,5-2 triệu đồng/khóa. Chính vì vậy, lao động nghèo, vùng sâu, xa không thể tiếp cận được.
Từ thực tế đó, lần đầu tiên, Sở LĐTBXH tỉnh mở lớp học nghề miễn phí theo Quyết định 1956 hướng tới mục tiêu này. Thực tế tại Quảng Ngãi, nhiều thanh niên đi XKLĐ về đã thực sự sử dụng đồng vốn hiệu quả, phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Điển hình như Hồ Văn Mui (27 tuổi, ở huyện miền núi Trà Bồng). Sau 5 năm đi lao động tại Hàn Quốc, với số tiền tích lũy hơn 600 triệu đồng, Mui đã mua xe tải để vận chuyển hàng, mở tiệm tạp hóa... và có lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/tháng. Còn gia đình anh Hồ Văn Thung (24 tuổi, ở huyện Sơn Hà) nhờ tiền vốn của anh Thung đi XKLĐ tại Hàn Quốc gửi về đã đầu tư trồng hơn 15ha keo, 3ha mía, nuôi trâu... với thu nhập ước hơn 6 triệu đồng/tháng.
Trao thêm cơ hội
Ông Võ Duy Yên - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị được giao đảm nhận chương trình dạy nghề miễn phí dành riêng cho XKLĐ, cho biết: “Thị trường được chọn dành cho chương trình trên cũng là các nước quen thuộc như Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc... Trong đó, riêng với số đăng ký đi Nhật Bản thì ngoài tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, phải qua sát hạch ngoại ngữ”.
Theo chương trình này ngoài được đào tạo miễn phí, lao động sẽ được trung tâm định hướng và cho đăng ký học những nghề hiện đang được thị trường các nước ưu tiên tuyển dụng như xây dựng, cơ khí, gò hàn, điện dân dụng, may.
Riêng về ý kiến lo ngại việc sau khi được đào tạo nghề xong, lao động sẽ bỏ, hoặc không đi XKLĐ, ông Yên bày tỏ: “Năm 2013, trung tâm tuyển chọn theo chương trình đào tạo nghề miễn phí là 170 học viên, với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Tuy nhiên số lượng lao động đăng ký học đông gấp nhiều lần. Mặt khác, trung tâm tổ chức sàng lọc để lựa chọn học viên... Vì vậy, lao động đi học đã có quyết tâm rất cao. Trong trường hợp bất khả kháng không đi XKLĐ được thì với ngành nghề được đào tạo, lao động cũng sẽ tìm được việc làm ở trong nước để ổn định cuộc sống”.
Công Xuân (danviet.vn)