Là ông chủ của đầm tôm lớn thứ nhì tại miền Trung, anh Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Cty TNHH Hải Dương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết năng suất tôm của anh phải đạt 30 tấn/ha.
Thành công nhờ… thất bại
Có được bí quyết nuôi tôm thành công để trở thành tỷ phú ngày hôm nay, không phải con đường đi của anh Dương được trải hoa hồng mà đầychông gai. Sinh ra và lớn lên tại xứ Nghệ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Dương thi vào Trường ĐH Thủy sản Nha Trang. Đến năm 2000, khi học xong anh xin vào làm cho Cty TNHH Thông Thuận. Sau 2 năm làm thuê, anh Dương đã nắm bắt được kinh nghiệm thực tế cũng như có chút vốn anh đã thôi việc và cùng hai anh bạn hùm vốn mua 4 hồ tôm tại thôn 7, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
“Thời ấy nuôi tôm sú rất dễ, dịch bệnh không có, thả tôm xuống là có lãi. Mỗi hồ thu lãi một vài triệu là chuyện thường ngày. Đến năm 2005 tôi tiếp tục mua 5 hồ, lúc này dịch bệnh đã xuất hiện, con tôm sú chậm lớn, tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thành công cứ tiếp nối, đến năm 2009 và 2010, tôi quyết định mở rộng quy mô nuôi tôm và mua các hồ tôm của người khác tại xã Phước Thể và An Hải đến nay đã đạt 74 ha”, anh Dương kể.
|
Trong khi người nuôi tôm méo mặt vì dich bệnh thì anh Nguyễn Văn Dương lại cười như Tết bởi nuôi tôm thắng lớn. |
Tuy nhiên bước vào vụ nuôi tôm đầu tiên năm 2011, thời điểm này dịch bệnh trên con tôm thẻ hoành hành dữ dội, với 98 hồ nuôi, cứ thả tôm giống xuống là chết, chết lại thả, mỗi hồ như vậy ngốn của anh từ 50 - 70 triệu đồng. Chỉ trong gần 1 tháng giáp Tết âm lịch mà anh đã "xả" ra biển trên 10 tỷ đồng. Anh Dương tâm sự: “Con tôm nhanh mang lại tiền tỷ cho mình nhưng nó lấy đi còn nhanh hơn”.
Đau lòng nhìn tiền của công sức bao nhiêu năm trời bị con tôm lấy đi trong chốc lát. Sau Tết âm lịch, anh lại thả tiếp và lần này anh quyết định đi “tầm sư học đạo”. Anh bắt đầu hành trình rong ruổi khắp các vùng miền, từ các tỉnh miền Tây sông nước ngược ra Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên… ở đâu có mô hình nuôi tôm hiệu quả anh đều đến học hỏi.
Cũng trong thời gian này dịch bệnh tôm trên cả nước "nổ ra", các nhà khoa học, các địa phương vào cuộc tổ chức nhiều hội thảo tìm tác nhân gây bệnh, nghe nói ở đâu có hội thảo là anh đến dự. Nhưng mỗi nơi nói một kiểu không biết đâu mà làm theo.
Thế rồi anh quyết định "khăn gói quả mướp" sang các nước có ngành nuôi tôm phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Malaysia học hỏi kinh nghiệm. Sau gần một tháng bôn ba nơi xứ người, khi quay về trại tôm thì lúc này tôm chết đã gần hết chỉ còn lại một số hồ, tuy chưa chết nhưng cũng thoi thóp. Thế là gần 15 tỷ đồng chỉ chưa đầy 3 tháng đổ vào con tôm đã mất sạch.
“Bí kíp” thành công
Đi khắp các vùng tôm, anh Dương đã rút ra bài học quý báu, nguyên nhân gây bệnh trên con tôm là do môi trường nước bị biến động, vi khuẩn có hại biến thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi khiến tôm chết nhanh. Anh Dương kể: “Mình nuôi tôm thất bại là do nuôi tràn lan, không có quy hoạch, còn ở nước ngoài họ thành công chính là các trại tôm được đầu tư bài bản khép kín, trong quá trình nuôi tôm họ không hề sử dụng kháng sinh”.
Từ những điều mắt thấy, tai nghe, anh Dương bắt tay ngay vào cải tạo ao hồ, đầu tư máy móc, lót bạt dưới đáy hồ đây là kỹ thuật rất quan trọng bởi trước đây anh chỉ lót bạt quanh hồ còn đáy là cát, chính yếu tốt này khiến cho mọi tồn dư dưới đáy hồ tồn lại sinh ra dịch bệnh, đầu tư xây dựng lại đường nước cấp và nước thải cho thật bài bản…
|
Anh Trần Văn Nam, người nuôi tôm cho anh Dương đang kiểm tra tôm. |
Sau gần 1 tháng cật lực cải tạo, đến cuối tháng 3 anh Dương bắt đầu thả tôm lại. Lần này, trong quá trình nuôi anh đã có sự điều chỉnh liều lượng vi sinh, vôi bột mỗi khi môi trường thay đổi để giữ cho môi trường nước ổn định, điều đặc biệt là không lấy nước trực tiếp từ biển mà khoan ngay giếng gần mép biển lấy nước ngầm bơm lên các ao lắng để xử lý sau đó mới đưa vào hồ nuôi. Tôm của anh được nuôi theo chương trình an toàn, trong quá trình nuôi không hề sử dụng kháng sinh hoàn toàn bằng vi sinh.
Anh Dương chia sẻ: “Nuôi tôm theo phương pháp mới này, tôi không thể ngờ được tôm mau lớn lạ kỳ, không còn tôm chết mà chi phí giảm 20 - 30% so với dùng kháng sinh. Chỉ cần một vụ nuôi thành công tôi đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất trước đó.
Để nuôi tôm thành công, bên cạnh yếu tố con giống sạch bệnh, nước sạch, nền đáy sạch không bị nhớt, mỗi khi môi trường nước biến đổi do thời tiết phải dùng vi sinh liều cao để khống chế vi khuẩn có hại thì yếu tố con người rất quan trọng, do vậy hàng tuần tôi đều họp anh em để chấn chỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như truyền đạt chuyên môn kỹ thuật. Điều đặc biệt là phải gắn trách nhiệm của những người phụ trách kỹ thuật các trại nuôi, theo đó họ phải đóng góp một số vốn nhất định có như vậy anh em mới tận tâm, tận lực nuôi tôm”.
Tiếng lành đồn xa, thấy anh Dương nuôi tôm siêu năng suất giữa thời buổi tôm chết như ngả rạ, từ các nhà quản lý đến người nuôi tôm khắp các vùng miền trong cả nước nườm nượp đến học hỏi và đều được anh truyền đạt những kinh nghiệm nuôi tôm của mình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Với người khác, có lẽ họ sẽ lắm lấy cơ hội này để làm giàu nhưng với anh không dấu diếm quy trình nuôi của mình. Ngay cả ngành chức năng các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Yên, Ninh Thuận… đề nghị được tổ chức hội thảo đầu bờ ngay tại đìa tôm của anh.
"Giấu làm gì, cùng giới nuôi tôm với nhau tôi rất hiểu thảm cảnh thất bại, do vậy tôi đang có quy trình nuôi tôm hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ người nuôi tôm nào. Chuyển giao quy trình nuôi cũng là để mọi người cùng làm giàu”, anh Dương tâm sự.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam