Ðổi thay một vùng quê nghèo

Ðổi thay một vùng quê nghèo
TAM DỊ là một trong những xã nghèo của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Theo lãnh đạo địa phương, bà con nơi đây quanh năm chỉ biết quẩn quanh với cây lúa, ruộng vườn và chăn nuôi nhỏ lẻ. Kinh tế địa phương chỉ thật sự chuyển động từ năm 1999, khi trong vùng bắt đầu dấy lên phong trào xuất khẩu lao động, cùng với đó là lượng kiều hối chuyển về đóng góp cho sự phát triển của quê hương ngày càng tăng.


 
Nhờ tiền của con trai đi xuất khẩu lao động gửi về, gia đình anh Vũ Văn Cương xây được ngôi nhà mới.  
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dị Ðào Văn Quảng cho biết: Toàn xã hiện có hơn 17 nghìn dân, trong đó có khoảng 2.000 người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Thị trường lao động chủ yếu là Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), đảo Síp,... với mức lương từ 700 đến 1.500 USD/người/tháng. Ông Quảng nhẩm tính, với lượng người như vậy mỗi tháng gửi về cho gia đình vài triệu đồng/người/tháng cũng mang lại thu nhập cho toàn xã xấp xỉ hai đến ba tỷ đồng/tháng, cao điểm trong các năm 2008-2009 có những thời điểm lên tới năm đến bảy tỷ đồng/tháng. Thông qua nguồn kiều hối này, người dân đã xây được nhà cửa khang trang kiên cố, đóng góp làm đường, xây nhà văn hóa,... cuộc sống từ đó cũng ấm no hơn rất nhiều.

Vợ chồng anh Vũ Văn Cương (ở thôn Hà Phú, xã Tam Dị) là một trong những gia đình điển hình thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Như bao gia đình thuần nông khác, cả năm chỉ biết trông chờ vào 1,5 mẫu lúa với hai vụ cấy, nên gia đình anh Cương không tránh khỏi bữa no, bữa đói. Qua tìm hiểu, vợ chồng anh quyết định vay Agribank chi nhánh Lục Nam 80 triệu đồng để làm thủ tục cho người con trai cả đi xuất khẩu lao động làm công nhân cho một xưởng gỗ ở Ðài Loan (Trung Quốc). Và đến nay, nhờ nguồn tiền gửi về đều đặn 10 triệu đồng/tháng từ cậu con trai, gia đình anh đã xây được ngôi nhà mái bằng khang trang, kiên cố. Vợ chồng anh dự tính sau khi cậu út tốt nghiệp lớp 12 sẽ tiếp tục vay vốn cho em đi xuất khẩu lao động.

Cùng với gia đình anh Cương, anh Vi Văn Hải (ở thôn Hồ Lao, xã Lục Sơn) cũng có người em trai đang làm việc ở Ma-lai-xi-a thỉnh thoảng gửi tiền về giúp gia đình. Cuối năm 2011, anh Hải may mắn trúng giải đặc biệt trị giá 50 triệu đồng của Chương trình rút thăm may mắn dịch vụ Western Union chi trả tại Agribank. "Cùng với số tiền hơn bảy triệu đồng của em trai gửi về, tôi đã có tiền mua thuốc chữa bệnh và đầu tư chăn nuôi. Ðến nay, bệnh của tôi đã giảm nhiều, kinh tế gia đình từ đó cũng ngày càng khấm khá", anh Hải tâm sự.

Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, lượng kiều hối gửi về hằng năm còn giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động tại địa phương. Theo ông Ðào Văn Quảng, nếu trước đây toàn xã chủ yếu làm nông nghiệp thì nay, nhiều ngành nghề dịch vụ đã "nở rộ" ăn theo xuất khẩu lao động, như kinh doanh, buôn bán. Ông Quảng cho biết: Từ nguồn tiền do người thân gửi về, người dân trong xã có điều kiện mở thêm cửa hàng kinh doanh, đặc biệt, trong khi bất động sản cả nước gần như "đóng băng" thì nơi đây, giao dịch bất động sản vẫn diễn ra sôi động. Ngoài ra, nguồn kiều hối gửi về cũng góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo trên toàn xã, từ hơn 30% năm 2002 xuống 19,7% năm 2011 và phấn đấu giảm xuống còn khoảng 17% năm 2012.

Theo Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Lục Nam Ðỗ Văn Trọng, phần lớn nguồn kiều hối đều là tiền của người dân đi xuất khẩu lao động gửi về cho gia đình, người thân. Số tiền này một phần được dùng để trả nợ ngân hàng, sửa sang nhà cửa, mua sắm tài sản,... Ngoài ra, ngân hàng cũng huy động lại từ nguồn này được khoảng 30% do người dân tham gia gửi tiết kiệm. Năm nay, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng. Tính đến ngày 30-11-2012, lượng kiều hối đạt hơn 21,4 triệu USD, tăng 14,7% so năm 2011. Có được sự tăng trưởng như vậy, theo ông Trọng, một phần do Agribank đẩy mạnh cho vay xuất khẩu lao động, phần khác do ngân hàng chú trọng thường xuyên cải tiến trong giao dịch khiến thời gian tiến hành nhanh và thuận tiện.

Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Giang Dương Văn Ngọc cũng cho biết, hiện nay, dịch vụ chi trả kiều hối tại ngân hàng đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, chiếm 75% thị phần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và là một trong những chi nhánh có doanh số chi trả kiều hối lớn nhất trong hệ thống Agribank. Ðặc biệt năm 2012, chi nhánh có 14 điểm giao dịch được tôn vinh trong câu lạc bộ 500 của Công ty Western Union. Doanh số chi trả kiều hối tăng dần theo từng năm: Năm 2010 đạt 55.518 nghìn USD, năm 2011 đạt 65.815 nghìn USD; 11 tháng năm 2012 đạt 72.114 nghìn USD, đạt 96% kế hoạch năm 2012.

Ðể nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ chi trả kiều hối, theo ông Dương Văn Ngọc, thời gian tới Agribank chi nhánh Bắc Giang tiếp tục tăng cường sự phối hợp các sở, ban, ngành liên quan nhằm nắm định hướng về hoạt động xuất khẩu lao động, giải quyết vướng mắc trong việc cho vay xuất khẩu lao động. Ðồng thời thu thập số liệu người đi lao động nước ngoài làm số liệu định hướng chỉ tiêu cho vay và chỉ tiêu doanh số chi trả kiều hối; tuyên truyền, hướng dẫn các cách thức chuyển tiền về Việt Nam qua hệ thống Agribank;... Và đặc biệt, để "hút" lượng kiều hối thường về nhiều dịp cuối năm, hiện nay, Agribank chi nhánh Bắc Giang đang chuẩn bị triển khai chương trình khuyến mại nhận tiền kiều hối năm 2013, theo đó khách hàng sẽ nhận được nhiều quà tặng trị giá 50.000 đồng/ hoặc thẻ cào trúng thưởng với năm giải thưởng đi du lịch tại Hàn Quốc; 32 giải thưởng đi du lịch Ma-lai-xi-a - Xin-ga-po và 40.000 giải khuyến khích trị giá 50.000 đồng,...

Bài, ảnh: Hồng Anh
Nguồn: nhandan.org.vn