Doanh nhân ươm mầm xanh trên vùng đất hoang

Ký hợp đồng với 2.000 hộ nông dân bao tiêu gấc trong 10 năm, doanh nhân Phạm Hồng Cương đã quyết định hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, hạ tầng cho nông dân, với kinh phí khoảng 20 triệu đồng/ha.
Liên kết với 2000 hộ nông dân

Từ một câu chuyện tình cờ với ông Nguyễn Công Suất, người thành danh với sản phẩm tinh dầu gấc, doanh nhân Phạm Hồng Cương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Dương (tỉnh Hoà Bình) đã quyết định dấn thân vào nông nghiệp, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với mình. Giá trị của cây gấc, với tiềm năng đất đai của Hòa Bình cùng với sự cần cù chất phác của người dân nơi đây đã đưa tới quyết định ký kết hợp đồng liên kết với nông dân của doanh nghiệp.
ông Trần Đăng Ninh - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hòa Bình (người ở giữa) kiểm tra vùng nguyên liệu gấc của Công ty CP Đông Dương
Ông Trần Đăng Ninh - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hòa Bình (người ở giữa) kiểm tra vùng nguyên liệu gấc của Công ty CP Đông Dương

Tính đến tháng 4.2014, đã có 2.000 hộ tham gia ký kết, với diện tích 200ha, địa bàn trải rộng trên ba huyện (50 xóm của 14 xã) tại tỉnh Hòa Bình. Hợp đồng ký kết được thực hiện trong thời gian ít nhất là 10 năm. Công ty hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, hạ tầng cho nông dân, với kinh phí khoảng 20 triệu đồng/ha.

Hợp đồng hợp tác phát triển vùng nguyên liệu trồng gấc cụ thể hóa thỏa thuận giữa Công ty CP Đông Dương và Công ty Vinaga. Theo đó, Công ty Đông Dương cung cấp nguồn lực đầu tư, triển khai phát triển vùng gấc nguyên liệu trên địa bàn. Công ty Vinaga có trách nhiệm cung ứng giống vốn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gấc của người nông dân.


Trong Khu đô thị Lương Sơn, Công ty CP Đông Dương đã dành 2.500m2 đất để xây dựng mô hình trồng gấc. Tại đây các kỹ sư nông nghiệp nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, cách thức chăm bón trong điều kiện đất dốc... Đây cũng là lớp học sinh động cho hàng trăm hộ dân tham gia học hỏi kinh nghiệm.

Ông Cương cho biết: Qua trồng thử nghiệm trên đất đồi, rừng tại Lương Sơn, vụ gấc đầu cho năng suất trên 20 tấn/ha; ở những vụ sau năng suất sẽ đạt 30 đến 40 tấn phụ thuộc vào nguồn nước tưới và phân bón. Mỗi kg gấc doanh nghiệp thu mua từ bốn đến năm nghìn đồng/kg, giá trị mỗi ha gấc cao gấp sáu lần so với trồng lúa, từ ba đến bốn lần so với trồng các cây nông, lâm nghiệp khác.
Công nhân Công ty CP Đông Dương chăm sóc gấc
Công nhân Công ty CP Đông Dương chăm sóc gấc

Trong chuyến làm việc tại Công ty CP Đông Dương, ông Trần Đăng Ninh - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hòa Bình đã đánh giá cao nỗ lực của Công ty trong việc chuyển đổi sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, quan trọng hơn là giải quyết được tình trạng đất hoang hóa hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hướng sản xuất bền vững

Khi hợp đồng với người dân được ký kết, cũng là lúc Công ty Đông Dương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cái khó là người dân vẫn quen với phương thức sản xuất lạc hậu, bóc ngắn cắn dài. Trước đây đã có nhiều đơn vị ký kết với người dân nhưng không thành công dẫn tới tâm lý e ngại. Cái khó nữa là vấn đề quy hoạch vùng sản xuất còn thiếu sự ổn định và quy củ dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp khi xác định lộ trình phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Công nhân Công ty Đông Dương chăm sóc cây dược liệu
Công nhân Công ty Đông Dương chăm sóc cây dược liệu

Để liên kết bền vững, tạo thế mạnh cho nông sản Việt Nam luôn là bài toán khó. Theo Phạm Hồng Cương, phải tuyệt đối tuân thủ những qui định ngặt nghèo của qui trình sản xuất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất uy tín. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ nông nghiệp của nhà nước phải xuất phát từ thực tế thị trường. Qui hoạch phát triển nông nghiệp cũng phải nâng cao chất lượng cho từng vùng tránh tình trạng phát triển tràn lan theo phong trào.

“Trong bối cảnh hiện nay, khó khăn sẽ kéo chậm nhịp độ phát triển, nhưng công ty vẫn kiên định đồng hành với người dân. Và trong tương lai, tôi tin là sẽ gặt hái thành công.”

Ông Phạm Hồng Cương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Dương.


Ông Cương tâm sự: Lâu nay chúng ta đang tự bó chân mình trong cái vòng luẩn quẩn. Bà con sản xuất ra sản phẩm nông lâm dạng thô bán cho thương lái xuất cho đối tác nước ngoài với đơn giá rẻ. Các nhà máy ở Việt Nam nhập lại sản phẩm tinh với đơn giá rất đắt để sản xuất sản phẩm bán ra thị trường.

Riêng lĩnh vực sản xuất tinh dầu trong nước hiện nay vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu, đương nhiên bị đối tác nước ngoài ép mua với giá rẻ. Vì vậy, trong giai đoạn tới Công ty CP Đông Dương sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất tinh dầu hiện đại với tổng vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD. Công nghệ này sẽ điều chỉnh được các thành phần vi chất theo yêu cầu đơn đặt hàng của mọi đối tác với tiêu chuẩn khắt khe góp phần nâng cao uy tín chất lượng, giá cả sản phẩm cho ngành nông, lâm sản của Việt Nam.
Công nhân kiểm tra vườn gấc
Công nhân kiểm tra vườn gấc

Đó là sự mở đầu cho một lộ trình táo bạo của Công ty CP Đông Dương, với mục tiêu đạt con số 400 tỷ doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp cùng hơn 4.000 hộ gia đình được đưa vào vòng sản xuất nông nghiệp theo qui trình khép kín. “Chúng tôi hướng tới mục tiêu hộ gia đình sản xuất nông nghiệp phải chuyên nghiệp và khi liên kết với Đông Dương người nông dân sẽ có cơ hội làm giàu”. Ông Phạm Hồng Cương tự tin khẳng định.
Theo danviet.vn