Dồn điền đổi thửa: Khâu đột phá

Dồn điền đổi thửa: Khâu đột phá
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải tiêu chí trong XDNTM, song với những địa phương có diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, bình quân mỗi hộ sở hữu nhiều ô, thửa phân tán trên nhiều cánh đồng như hầu hết các xã của Hà Nội thì việc DĐĐT là vô cùng cần thiết.

Vùng chuyên canh hoa ở Tây Tựu (Từ Liêm).

Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, tiến hành thành công DĐĐT sẽ có tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong XDNTM. Vì vậy, Ban chỉ đạo chương trình thành phố xác định, một trong những khâu đột phá là tập trung chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT.

Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, qua kết quả của một số địa phương đi đầu trong thực hiện DĐĐT để phục vụ cho công tác XDNTM như Tân Hưng, Minh Trí và Mai Đình (huyện Sóc Sơn), Liên Mạc (huyện Mê Linh), Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), Đại Thắng (huyện Phú Xuyên)… có thể khẳng định, công tác DĐĐT hết sức quan trọng và cần thiết để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí XDNTM.

Đặc biệt là, đến nay, nhận thức về ích lợi của công tác DĐĐT để XDNTM của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân nông thôn Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt. Theo thống kê sơ bộ, đã có 99/228 xã (43,4%) có phương án DĐĐT, trong đó có 35/228 xã đã được phê duyệt, số còn lại đang tiến hành xây dựng phương án và xin ý kiến nhân dân. Một số huyện có nhiều xã đã được phê duyệt phương án DĐĐT như Chương Mỹ 32/32 xã (100%), Sóc Sơn 23/23 xã (100%), Ba Vì 6/6 xã (100%), Phú Xuyên 10/16 xã (62,5%).

Để thể hiện sự quyết tâm, các huyện đều đã đăng ký kế hoạch DĐĐT năm 2012 vượt kế hoạch như Chương Mỹ từ 4.000ha lên 10.211ha; Mê Linh từ 1.500ha lên 2.859ha; Thường Tín từ 1.000ha lên 1.706ha; Phúc Thọ từ 500ha lên 746ha; Phú Xuyên từ 2.000ha lên 3.560ha; Ứng Hòa từ 1.500ha lên 2.200ha; Đông Anh từ 100ha lên 339ha…; góp phần đưa tổng diện tích DĐĐT của Hà Nội theo kế hoạch năm 2012 lên 30.795,27ha, tăng 11.350,37ha so với kế hoạch thành phố giao ban đầu.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội nhấn mạnh: Công tác DĐĐT cần thực hiện tốt các bước, thứ nhất là coi trọng công tác tuyên truyền vận động nhân dân và phải coi trọng vấn đề dân chủ; thứ hai là cần tạo điều kiện sản xuất cho người dân tốt hơn trước, từ mương máng, giao thông nội đồng cho đến các điều kiện phục vụ sản xuất; thứ ba là cần có sự nỗ lực đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt nâng cao trình độ trách nhiệm của cán bộ cấp thôn, cấp xã, những người trực tiếp triển khai đến dân, nhằm đạt sự đồng thuận cao.

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, DĐĐT là chủ trương đúng đắn, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Khâu quyết định của nhiệm vụ này chính là công tác cán bộ. Họ có nhiệt tình, tâm huyết thì mới thành công. Sở Nông nghiệp và PTNT phải tổng kết thành một quy trình, hướng dẫn xây dựng phương án để tuyên truyền và có hướng dẫn cho các xã.Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải xây dựng kế hoạch tập huấn DĐĐT, hướng dẫn xử lý đất 5%. Sở Tài chính đề xuất nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí, còn các huyện phải xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác này… Đặc biệt, để khắc phục những khó khăn, đảm bảo cho công tác DĐĐT đạt kế hoạch vào năm 2012 thì cấp uỷ, chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt, gương mẫu, đi đầu vận động nhân dân thực hiện DĐĐT.

Để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2012, ông Nguyễn Công Soái, Phó bí thư Thường trực, Trưởng ban chỉ đạo chương trình khẳng định: “Các huyện tiến hành chậm hoặc không làm được lấy lý do đô thị hóa là không hợp lý, bởi một số huyện cũng có điều kiện tương tự, song đã làm rất tốt như Sóc Sơn, Phú Xuyên. Thời gian tới, chúng ta phải quyết tâm hơn nữa, có nghị quyết chuyên đề và phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Với những nơi làm tốt, tiếp tục vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa nhanh cơ giới hóa vào đồng ruộng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Các sở, ban ngành tiếp tục xây dựng cơ chế hỗ trợ DĐĐT, trong đó phải dành kinh phí xây dựng kênh mương, máy móc cơ giới hóa, giống, vốn… Những nơi nào làm tốt sẽ được hỗ trợ. Khi đã DĐĐT thành công, có cánh đồng mẫu lớn rồi thì tập trung thực hiện theo quy hoạch. Với đất khi DĐĐT còn dôi ra, nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất”.

Quán Tuấn

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn