Dồn điền đổi thửa ở Phú Xuyên Nhân rộng cách làm hay

Dồn điền đổi thửa ở Phú Xuyên Nhân rộng cách làm hay
Trong khi ở một số huyện, công tác dồn điền dổi thửa (DĐĐT) còn ì ạch, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân thì tại huyện Phú Xuyên, người dân lại hào hứng vào cuộc. Tại buổi làm việc với địa phương mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã đề nghị Phú Xuyên nhân rộng các cách làm hay trong DĐĐT trên địa bàn toàn huyện.
Khởi điểm từ Văn Hoàng
Xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên là xã thuần nông với hơn 607ha đất tự nhiên, dân số 6.300 người. Sau thực hiện DĐĐT vào các năm 1998, 2003, đất nông nghiệp bình quân trên một hộ ở Văn Hoàng đã giảm từ 10 thửa xuống còn hơn 3 thửa, song vẫn còn hộ sử dụng tới 5 - 6 thửa ruộng.
Thực hiện kế hoạch DĐĐT của TP, với quyết tâm cao, Đảng ủy, UBND xã Văn Hoàng đã quyết tâm vào cuộc. Ông Nguyễn Hữu Chi, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Tháng 10/2012, Đảng ủy xã đã thành lập Ban Chỉ đạo DĐĐT do Bí thư Đảng ủy là trưởng ban. Cùng với đó, mỗi thôn thành lập một tiểu ban DĐĐT do Bí thư Chi bộ làm trưởng tiểu ban, triển khai các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của TP đến từng thôn. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, xã lập phương án DĐĐT và công khai các quy hoạch cho nhân dân được biết. Khi dân đã nắm được quy hoạch và phương án dồn đổi, xã và thôn tổ chức họp với dân, trực tiếp nghe ý kiến của dân, giải đáp thắc mắc…
Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên.
Ông Chi cho biết, lúc đầu do chưa hiểu ý nghĩa của công tác DĐĐT, nhiều hộ dân cũng tỏ ra băn khoăn, không dám giao ruộng để dồn đổi. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì thuyết phục của lãnh đạo xã, thôn, họ đã đồng tình. "Cả xã và thôn đã tổ chức 160 hội nghị lớn, nhỏ với 10.000 lượt người tham gia" - ông Chi nói. Kết quả là, đến hết năm 2012, toàn xã đã hoàn thành 100% diện tích DĐĐT. Từ 5.007 thửa ruộng, sau dồn đổi chỉ còn 3.021 thửa, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,5 thửa; trong đó 300 hộ chỉ còn 1 thửa, 820 hộ còn 2 thửa.
Nâng cao giá trị sản xuất
Từ thành công của xã Văn Hoàng, phong trào DĐĐT đã lan ra nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Đến nay, toàn huyện Phú Xuyên đã DĐĐT được 5.526ha, bằng 86% so với diện tích đã được duyệt. Trong đó, 9 xã đã giao xong 100% diện tích, gồm: Quang Lãng, Vân Từ, Văn Hoàng, Phú Túc... Sau DĐĐT, các xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh; các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Đồng thời áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Tuy đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, công tác DĐĐT ở địa phương vẫn còn một số hạn chế. Ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện vẫn còn 4 xã chưa có phương án DĐĐT. Một số xã, thị trấn đã được phê duyệt phương án nhưng tiến độ giao ruộng tại thực địa chậm. Bên cạnh đó, một số xã, thị trấn chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của TP và huyện, dẫn đến xây dựng phương án chưa sát với yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần.
Do đó, năm 2013, một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện Phú Xuyên trong sản xuất nông nghiệp là phải hoàn thành công tác DĐĐT. Từ nay đến tháng 10/2013, huyện sẽ điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân được giao theo quy định từ 1 - 2 thửa.
 Để làm được điều đó, tại buổi làm việc mới đây với huyện Phú Xuyên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị: Trong thời gian tới, Phú Xuyên cần tập trung tuyên truyền về kinh nghiệm và cách làm hay trong công tác DĐĐT của các xã Văn Hoàng, Quang Lãng, Đại Thắng, Chuyên Mỹ… Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền cho bà con nông dân thực hiện tốt cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ KHKT để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nguồn:ktdt.com.vn