Đồng Tháp: Nghề nuôi cá sặc rằn ở xã Láng Biển
- Chủ nhật - 07/07/2013 23:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghề nuôi cá sặc rằn phát triển mạnh ở các xã: Láng Biển, Đốc Binh Kiều, do nơi đây là vùng nước ngọt có nhiều phèn, nên rất thuận lợi cho loài thủy sản này phát triển. Diện tích nuôi phần lớn được tận dụng từ các ao nuôi cá rô đầu vuông (do mô hình này không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người nuôi chuyển dần sang nuôi cá sặc rằn).
Ông Bùi Văn Khi - nông dân ấp 3, xã Láng Biển chia sẻ: “Ban đầu thấy bà con trong xóm nuôi cá sặc rằn đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi quyết định chuyển 3.000m2 diện tích nuôi cá rô đầu vuông sang nuôi cá sặc rằn. Tuy nhiên, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên năm đầu tiên tôi chỉ thả nuôi với mật độ thấp, sau khi thu hoạch chỉ lãi được 15 triệu đồng. Vụ sau tôi rút kinh nghiệm, cũng với 3.000m2 diện tích mặt nước tôi thả dày hơn, chú ý nhiều hơn đến khâu chọn giống. Vì thế, cuối vụ trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 65 triệu đồng.
Cá sặc rằn được các thương lái từ An Giang, Cà Mau mua về chế biến thành cá khô xuất đi Campuchia và TPHCM. Vì thế, đầu ra cho cá sặc rằn tương đối ổn định. Giá cá thương phẩm dao động từ 44.000 - 57.000 đồng/kg. Có thời điểm nghịch mùa giá cá lên tới 65.000 đồng/kg. Ước tính trung bình 1ha diện tích mặt nước, bà con có thể thu được trên 24 tấn cá thịt sau 8 tháng nuôi, trừ các khoảng chi phí người nuôi vẫn còn lãi gần 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện tại nhiều bà con nơi đây vẫn còn canh tác theo kiểu tự phát và chưa tuân thủ nghiêm ngặt các qui trình về kỹ thuật nuôi như: cải tạo ao, mật độ thả nuôi, lượng thức ăn sử dụng... Vì thế, khi sự cố xảy ra bà con không có đủ kỹ năng xử lí tình huống và hiệu quả kinh tế từ mô hình vẫn chưa đạt đến mức tối đa.
Cụ thể là trong khoảng thời gian gần đây, cá sặc rằn con từ giai đoạn cá bột đến khoảng 2 tháng tuổi có hiện tượng cá nổi đầu và chết hàng loạt. Ước tính chỉ trong tháng 5, có hơn 16ha diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh, tổng thiệt hại cho chi phí con giống trên 220 triệu đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp và điều tra xác minh từ Trạm Thủy sản huyện Tháp Mười cho biết, tháng 4 và tháng 5 là thời điểm giao mùa, thời tiết không ổn định, ngày nắng nóng kéo dài, đêm nhiệt độ xuống thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, làm cho cá con bị sốc nhiệt. Bên cạnh đó, những cơn mưa đầu mùa kéo dài làm cho độ PH trong ao giảm, cá con thiếu sức chống chọi dẫn đến tình trạng cá nổi đầu và tấp vào bờ chết. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi lâu năm ở đây cho biết thêm, do nhiều hộ đã bơm phải nguồn nước bị ô nhiễm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật từ các ruộng lúa đổ ra làm cho cá con bị nhiễm độc.
Để mô hình nuôi cá sặc rằn ngày càng phát triển, ông Võ Thành Ngoan - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: “Thời gian tới Phòng Nông nghiệp sẽ mời các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi cá sặc rằn về tập huấn cho bà con nuôi cá trong toàn huyện. Thông qua các lớp tập huấn, địa phương muốn củng cố, nâng cao kiến thức về kỹ thuật thả nuôi, chăm sóc cá sặc rằn để mô hình ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng mô hình hợp tác xã, vừa sản xuất cá tươi vừa chế biến khô cá sặc rằn, nhằm đảm bảo giá thành ổn định cũng như mở ra hướng mới giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Báo Đồng Tháp Online