Đột phá từ nông sản
- Thứ năm - 03/01/2013 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây cũng là lĩnh vực được Quảng Ninh ưu tiên dồn sức nhằm tạo bước đột phá cho bước phát triển này.
Phép thử Metro
Chả mực Hạ Long, gà Tiên Yên, ngán, sá sùng Vân Đồn hay rượu ba kích Ba Chẽ, miến dong Bình Liêu, chè Hải Hà, rau Quảng Yên... từ lâu đã nổi tiếng không chỉ ở Quảng Ninh mà còn trên toàn quốc bởi chất lượng vượt trội hoặc là những sản phẩm độc quyền của Quảng Ninh.
Tuy nhiên, đến nay, các thương hiệu danh tiếng này vẫn chưa có mặt tại đại siêu thị Metro Hạ Long, trong khi đó, mỗi tháng siêu thị này nhập hàng chục tấn nông – hải sản cùng loại từ các địa phương khác về để phục vụ chính người Quảng Ninh. Đó là một sự vô lý, nhưng lại có lý, bởi các sản phẩm của Quảng Ninh phần lớn không đăng ký thương hiệu và cũng không đủ số lượng cung cấp thường xuyên, dài hạn cho khách hàng. Những người quản lý chợt nhận ra rằng, không vào được Metro – một thị trường gần, tiềm năng, ổn định – thì các sản phẩm của bà con nông – ngư dân Quảng Ninh khó có thể vươn xa, có chăng cũng chỉ làm ăn theo kiểu cầu may. Trong khi đó, nông dân không có hoặc không bán được sản phẩm, thì dù có hoàn thành các tiêu chí khác về xây dựng nông thôn mới cũng khó có thể tạo dựng được một nông thôn phát triển bền vững.
Việc siêu thị Metro ngó lơ các đặc sản của Quảng Ninh cũng là một trong những lý do thôi thúc lãnh đạo tỉnh xắn tay cùng bà con nông dân xây dựng thương hiệu. Ngay trong năm 2012, địa phương này đã hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho 15 sản phẩm, trong đó có chả mực Hạ Long, rượu mơ Yên Tử, gà Tiên Yên, ngán Quảng Ninh, tu hài Vân Đồn, mực ống Cô Tô... Cùng đó, các ban, ngành liên quan đang phối hợp với các địa phương quy hoạch 6 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn với thương hiệu sản phẩm, gồm các vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa và nuôi trồng thủy sản.
Giải pháp nào?
Chủ trương trên có thành công hay không còn phụ thuộc vào mối liên kết bốn “nhà” – nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Đây là thách thức lớn, bởi, trên phạm vi toàn quốc, mô hình này thất bại nhiều hơn thành công do chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo một chủ trang trại chăn nuôi gia súc tại huyện Đông Triều, thiếu vắng bàn tay nhà nước, mối liên kết trên khó thành công, vì đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao. “Hơn nữa, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ, du lịch, xây lắp... – những lĩnh vực sinh lời cao. Vì thế, nếu không có chính sách phù hợp và nhà nước không đi tiên phong thì khó kêu gọi được các “nhà” khác” – ông này khuyến nghị.
Thực tế, Quảng Ninh thiếu các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản cho nông dân. Thậm chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng thường bán “lúa non”, nói gì tới chuyện lo đầu ra cho bà con nông dân. “Cả tỉnh có tới 7 – 8 lâm trường thì tất cả chỉ trồng cây rồi bán dăm gỗ, chứ không chế biến sâu hơn được để có giá trị gia tăng cao” – Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh Trương Công Ngàn cho biết.
Theo ông Ngàn, cần phải tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chuyên sâu hơn để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu khẳng định, cần phải có một cuộc cách mạng toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng giá trị của từng sản phẩm cho người nông dân.
Rõ ràng, bài toán đảm bảo thu nhập tương đối, ổn định cho nông dân trên chính mảnh đất của họ vẫn là một trong 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới khó thực hiện nhất.