Đột phá về giao thông trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 21/03/2013 06:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tạo bước đột phá
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Lào Cai, năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu bê tông hóa 544,4 km đường giao thông nông thôn (GTNT), tăng gấp đôi số km được bê-tông hóa năm 2012. Mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2013 là 100% đường trục liên xã được bê tông hóa, 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa (rải cấp phối, bê tông hoặc trải nhựa), 50% đường ngõ xóm được cứng hóa, sạch và không lầy lội vào mùa mưa, 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi. Ngay trong ba tháng đầu năm 2013, các huyện và thành phố trong tỉnh đã bê tông hóa được trên 100 km đường GTNT, đạt trên 20% kế hoạch năm.
Đường giao thông đến đâu, bộ mặt nông thôn vùng sâu đổi thay đến đó. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Bảo Thắng là huyện có phong trào làm đường GTNT mạnh nhất với chiều dài trên 80 km, tiếp đến là Văn Bàn: 42 km, Bảo Yên: 35 km và Bát Xát: gần 30 km. Tuy là xã vùng sâu, địa hình chia cắt nhiều dốc núi, dân cư ở thưa thớt, nhưng Si Ma Cai vẫn mở được gần 20 km đường giao thông bằng hình thức “cứng hóa”. Chương trình này đã làm xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tự nguyện hiến đất, đóng góp thêm kinh phí, vật liệu xây dựng, gương mẫu đi đầu vận động người dân khắc phục khó khăn thực hiện bê tông hóa đường GTNT. Việc thực hiện bê tông hóa đường GTNT như một bước đột phá, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện môi trường sống và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Là tỉnh miền núi có địa bàn rộng và đi lại khó khăn, muốn phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh nông nghiệp, Lào Cai xác định phải mở đường và “cứng hóa” GTNT là khâu đột phá, là "đòn bẩy" trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (xây dựng nông thôn mới).
Lòng dân đã thuận
Là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, khai thác chế biến khoáng sản và phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, Lào Cai tập trung nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa dịch vụ thông qua việc phát triển mô sản xuất tập trung dựa trên từng tiểu vùng khí hậu để chuyên canh hóa. Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai cho biết: "Mở đường GTNT là khâu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. GTNT không những giải quyết căn bản vấn đề lưu thông hàng hóa, thu hẹp khoảng cách giữa vùng cao và vùng thấp, mà còn giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa trong nhân dân các vùng, miền.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của tỉnh ủy Lào Cai về xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng chung về phát triển GTNT, chín huyện, thành phố chủ động đề ra kế hoạch chỉ đạo sát hợp với tình hình thực tế địa phương mình. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết: "GTNT có vai trò quan trọng đối với xây dựng nông thôn mới nên huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con hiến đất, góp công sức xây dựng nông thôn mới. Từ khi có phong trào làm đường giao thông nông thôn, toàn huyện đã mở mới hàng 100 km đường, bê tông hóa trên 20 km đường trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong đó nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng bằng giá trị ngày công và khai thác, vận chuyển vật liệu.
Theo ông Lý Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai), giao thông và thủy lợi là 2 tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, xã tập trung quy hoạch thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt kết hợp với làm giao thông nông thôn, tạo môi trường định cư vững chắc cho đồng bào, phục vụ vận chuyển hàng hóa và chủ động trong sản xuất của nhân dân.
Khắc phục khó khăn
Vốn là "nút thắt" lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới hiện nay của Lào Cai. Theo tính toán, để được công nhận là xã nông thôn mới, bốn xã điểm: Quang Kim (Bát Xát); Nậm Cang (Sa Pa); Phú Nhuận (Bảo Thắng) và Sín Chéng (Si Ma Cai) cần hàng ngàn tỉ đồng. "Nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới từ ngân sách còn hạn chế, trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn nên huy động sức dân không hề đơn giản. Trước mắt, tỉnh tập trung hoàn thành các tiêu chí không tốn kinh phí…" - ông Nguyễn Đắc Thủy, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Lào Cai, bày tỏ.
Thời gian qua, Bộ tiêu chí của tỉnh Lào Cai về xây dựng nông thôn mới là căn cứ chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của các huyện. Tuy nhiên, đến nay tiến độ hoàn thành các tiêu chí của các huyện còn chậm. Qua khảo sát, đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh mới có 40% số xã đạt 5/19 tiêu chí trở lên. Ngay như bốn xã điểm là Quang Kim (Bát Xát), Nậm Cang (Sa Pa), Phú Nhuận (Bảo Thắng) và Sín Chéng (Si Ma Cai) cũng chỉ có xã Quang Kim đạt 15/16 tiêu chí; ba xã còn lại mới đạt 9 - 12 tiêu chí.
Với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tỉnh Lào Cai cần tập trung hoàn thiện hệ thống GTNT theo hướng kết hợp giao thông nội đồng, liên thôn, liên xã nối với các cụm dân cư và trung tâm huyện lỵ làm tiền đề cho việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tiêu chí GTNT ở một số địa phương vẫn chưa hoàn thành hoặc tỷ lệ hoàn thành thấp. Cái khó nhất trong việc phát triển GTNT nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung là doanh nghiệp chưa mạnh dạn hợp tác và chưa đủ khả năng hỗ trợ mạnh mẽ về vốn cho nông dân. Đối với sản xuất nông nghiệp, hiện nay địa phương chỉ mới thu hút doanh nghiệp bao tiêu "đầu ra" cho nông dân, còn đầu vào vẫn đang "bỏ ngỏ"…
Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, đề xuất: Thực hiện xây dựng nông thôn mới cần có sự kế thừa, lồng ghép các chương trình, dự án đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Các công trình xây dựng phải trên cơ sở chỉnh trang, nâng cấp để giảm thiểu nguồn lực trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ cơ sở chưa có kinh nghiệm nên công tác xây dựng nông thôn mới còn gặp khó khăn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện... Do đó, tỉnh cần phối hợp với các huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban thường trực xây dựng nông thôn mới của tỉnh, thừa nhận: Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa có mô hình điểm thành công, địa phương chủ yếu vẫn vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi. Do vậy, công tác tổ chức, điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và chưa được, Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại 9/9 huyện, thành phố toàn tỉnh.
Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo sẽ nghe các địa phương báo cáo kết quả thực hiện 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; kiểm tra thực tế về khối lượng, các công trình… từ đó đưa ra giải pháp phù hợp khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình chỉ đạo. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do dân bàn bạc dân chủ để đưa ra quyết định, tham gia giám sát công tác tổ chức thực hiện.
Văn Toán
Theo baotintuc.vn