Dự án 3 Pad tại Bắc Kạn: Thêm nhiều sinh kế cho người nghèo

Dự án 3 Pad tại Bắc Kạn: Thêm nhiều sinh kế cho người nghèo
Được sự hỗ trợ của Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn (3 Pad), sau 3 năm triển khai đến nay toàn huyện Na Rì đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho vay vốn và thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp mang lại những đổi thay tích cực cho người dân. Nhờ đó, 9.000 lượt hộ được hưởng lợi, trong đó có 3.631 hộ nghèo chiếm 40,34% và 1.082 hộ cận nghèo chiếm 12,02%.
 
 
Ka Đóong  giờ đã được phủ xanh nhờ trồng cỏ nuôi gia súc
 
Điểm tựa cho người nghèo vùng cao
 
Na Rì là một trong huyện nghèo của Bắc Kạn, trong tổng số 9.199 hộ, có tới  3.155 hộ nghèo (34,30%), 788 hộ cận nghèo (8,57%). Được sự hỗ trợ của Dự án 3 Pad, 593 hộ nghèo, 236 hộ cận nghèo đã được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng và một số cây ngắn ngày trên đất dốc (lúa, ngô)... Đặc biệt, các hộ dân đã được hỗ trợ vốn cũng như kỹ thuật đầu tư cho sản xuất trồng rừng xen canh, chăn nuôi (gà, lợn nái, lợn thịt). 
 
Theo ông Nông Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Na Rì, sau 3 năm triển khai thực hiện các hoạt động của dự án đến nay số hộ được tham gia hưởng lợi là 9.000 lượt hộ (3.631 hộ nghèo, chiếm 40,34% và 1.082 hộ cận nghèo, chiếm 12,02%). 
 
Cũng theo ông Kỳ - được hỗ trợ từ Dự án, người dân đã tiến hành trồng cây lâm nghiệp có giá trị như keo, mỡ... thay thế những diện tích đất lâm nghiệp chỉ có cây bụi, thảm cỏ, cây có ít giá trị kinh tế; trồng xen canh cây ngắn ngày trên đất lâm nghiệp khi rừng chưa khép tán, điều này làm thay đổi nhận thức của người dân, tận dụng đất canh tác, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, người dân được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gà… đến nay nhiều hộ đã có sản phẩm là lợn thịt, gà thịt xuất chuồng cung cấp cho thị trường và làm thức ăn cho gia đình; nhiều hộ đầu tư cho chăn nuôi lợn nái cũng sắp có sản phẩm là lợn con.
 
Ông Hoàng Văn Giáp - Giám đốc Dự án 3 Pad Bắc Kạn cho biết: Hiện Ban Quản lý Dự án 3 Pad huyện Na Rì đã hoàn thành giao đất lâm nghiệp ngoài thực địa với 199 thửa, tổng diện tích đạt 1.729,31 ha cho 151 hộ nghèo và 66 hộ cận nghèo. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ công tác các xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện thẩm định tại thực địa hoàn thiện theo quy định trình UBND huyện phê duyệt. 
 
"Với những hoạt động và kế hoạch cụ thể cùng hướng đi đúng, Dự án 3 Pad huyện Na Rì đã nhắm đúng, trúng nhu cầu thiết thực của người dân, mang lại những đổi thay tích cực cho người nghèo nông thôn góp phần cải thiện sinh kế cho người nghèo nông thôn ở Na Rì” -  ông Hoàng Văn Giáp khẳng định.
 
 
Mùa đông này, đàn trâu của gia đình anh Phùng Văn Hùng
không sợ bị chết vì thiếu thức ăn nữa
 
Thoát nghèo nhờ trồng... cỏ
 
Mặc dù hệ thống giao thông đã được đầu tư và thuận tiện hơn nhưng do không có đầu ra cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật nên cuộc sống người dân xóm Đóong, xã Quang Phong, Na Rì gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, diện tích đất bỏ hoang, đồi trọc còn khá lớn. Nhận thấy thực tế này, cùng với việc hỗ trợ vốn, Dự án 3 Pad đã hỗ trợ bà con trồng cỏ xen canh cây mỡ. Cây mỡ là cây cho giá trị kinh tế khá cao nhưng phải sau thời gian dài từ 7 đến 9 năm mới cho thu hoạch. Do đó, để tận dụng khoảng trống về đất cũng như giúp người dân tăng thu nhập từ nuôi trâu, bò, dự án đã hỗ trợ bà con mua giống cỏ Gine về trồng xen cây mỡ. Giống cỏ này vừa là nguồn thức ăn cho trâu, bò vừa chống xói mòn đất. Theo đó, để giúp người dân triển khai phương thức sản xuất xen canh này, tại xóm Đóong đã hình thành nhóm nông dân cùng sở thích. Ban đầu chỉ có 10 hộ (đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo của xã) nhưng về sau nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao nên đã thu hút cả xóm cùng tham gia. Sau 2 năm triển khai, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng cỏ.
 
Dự án "Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn” (Dự án 3Pad) do Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (Ifad) tài trợ với mục tiêu hướng tới cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững, công bằng cho người nghèo nông thôn thuộc vùng núi cao tỉnh Bắc Kạn. Dự án gồm 4 hợp phần: Quản lý đất lâm nghiệp bền vững và công bằng, tạo cơ hội tăng thu nhập cho người nghèo; phát huy cơ hội sáng tạo cải thiện môi trường và quản lý dự án. Dự án được triển khai từ 2009 - 2015 tại 3 huyện: Ba Bể, Pác Nặm và Na Rì.
Hoàng Trường Giang - Trưởng nhóm trồng cỏ thôn Ka Đoóng, xã Quang Phong cho biết: Dự án đã đưa các loại cỏ nhiều chất, cây họ đậu và cây làm thức ăn vào hệ thống canh tác cải tiến hiện có đối với đất dốc. Theo đó, trung bình mỗi thành viên được hỗ trợ giống và phân bón để trồng 1000m2 cỏ. 
 
Nằm dưới chân núi nhưng căn nhà vợ chồng anh Phùng Văn Hùng mới dựng khá khang trang, trong nhà khá đầy đủ tiện nghi. Chuồng trại để chăn nuôi giá súc, gia cầm cũng được nợp ngói Proximăng khá vững chắc. Tiếp chúng tôi anh hồ hởi khoe: "Tất cả có được là nhờ trồng cỏ đấy. Bắt đầu từ 1.000m2 trồng cỏ, vợ chồng anh nhân rộng trồng được hơn 4.000m2. Sau 2 năm trồng cỏ gia đình tôi đã thoát nghèo vì sở hữu 4 con trâu, 2 con lợn nái, 4 con lợn đang thời kỳ vỗ béo. Phấn khởi nhất là thóc, ngô lúc nào cũng chất đầy trong nhà, không phải lo đói, lo thời kỳ giáp hạt nữa”.
 
Gần với đồi cỏ của vợ chồng anh Phùng Văn Hùng là đồi cỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Tích rộng 4.000m2. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật cũng như phân bón nên đồi cỏ nhà chị phát triển tốt, gia súc của gia đình ăn không hết, chị mang bán. Cũng theo chị Tích, số tiền bán cỏ khá lớn, trung bình mỗi lần bán gia đình chị thu được từ 10 đến 20 triệu đồng, trung bình một năm chị bán được 3 đến 4 lứa cỏ. Cũng nhờ bán cỏ gia đình chị đã trả nợ được ngân hàng và thoát khỏi "danh hiệu” nghèo kinh niên của xóm.
 
Từ kết quả trên, Dự án đang xây dựng kế hoạch bước sang năm 2013 sẽ đứng ra trực tiếp mua lại giống cỏ của nông dân. Việc đảm bảo đầu ra cho bà con được xem là sự khuyến khích bà con tham gia nhiều hơn những nhóm sở thích trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi ở khắp các địa bàn trong tỉnh chứ không chỉ bó hẹp trong vùng dự án . 
 
 "Qua sự thành công trong việc trồng cỏ tại huyện Na Rỳ, có thể tìm thấy lối ra cho đề án phát triển đàn gia súc của tỉnh Bắc Kạn khi mà vấn đề thức ăn chăn nuôi cho gia súc không còn là nỗi lo trong điều kiện diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, đất rừng từng bước được giao hết cho cá nhân và cộng đồng quản lý” - ông Hoàng Văn Giáp khẳng định.    
Khanh Lê
Theo daidoanket.vn