​Du lịch gắn với cộng đồng ở Đường Lâm Người dân hưởng lợi nhiều nhất

​Du lịch gắn với cộng đồng ở Đường Lâm Người dân hưởng lợi nhiều nhất
Hướng tới mục tiêu 40% hộ dân sống bằng dịch vụ du lịch vào năm 2015, và 70% vào năm 2020, thị xã Sơn Tây và Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, đào tạo người dân làm du lịch. Giờ thì du lịch đã mang lại cho nhiều hộ dân nơi làng cổ này hàng chục triệu đồng/tháng.
Đào tạo từ A đến Z
Mục tiêu 40% hộ dân làng cổ sống bằng dịch vụ du lịch của thị xã Sơn Tây không quá xa vời, nhưng với những hạn chế trong nhận thức, trình độ của người dân thì cần phải có lộ trình, bước đi hợp lý. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: "Đặc tính của người Đường Lâm khác hẳn với một số địa phương khác như Hội An, Huế. Nếu người dân Hội An buôn bán từ thế kỷ XV, khi khách du lịch đến họ có thể thu được tiền bằng mọi loại hình dịch vụ, thì người Đường Lâm làm nông nghiệp từ lâu đời nên quá trình chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm du lịch và làm du lịch gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải đào tạo từ A đến Z, từ cách tổ chức nhà nghỉ để làm du lịch homestay, đến cách chế biến món ăn, bày biện nhà cửa, đón tiếp và phục vụ khách, cách đóng gói các đặc sản bánh, kẹo, quà tặng sao cho bắt mắt…". 
Du lịch gắn với cộng đồng là hướng đi giúp làng cổ Đường Lâm vừa bảo tồn di tích, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Văn Phúc
Du lịch gắn với cộng đồng là hướng đi giúp làng cổ Đường Lâm vừa bảo tồn di tích, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Văn Phúc
Ông Sơn cho biết thêm, năm 2013 và 2014, thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã tổ chức hàng loạt các chương trình hỗ trợ người dân như: Mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng, homestay ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai)...; tập huấn cho người dân tiếp khách, mời khách, đón khách một cách chuyên nghiệp; tổ chức thi làm các sản phẩm bánh kẹo của địa phương; mở chợ quê vào những ngày lễ, hội; mời chuyên gia Nhật Bản sang dạy cách làm homestay, bánh kẹo, nuôi gà mía… Thị xã Sơn Tây còn có chủ trương hỗ trợ cho mỗi hộ dân làm du lịch vay khoảng 1 tỷ đồng để phát triển dịch vụ như cải tạo nhà, tổ chức chăn nuôi, và sản xuất các sản phẩm du lịch. Các hộ dân hưởng ứng những chương trình này rất tích cực, nhưng do trình độ còn hạn chế, nên chưa thực sự nhập cuộc. "Thậm chí, chúng tôi bị phê bình là tổ chức cho người dân đi nhiều nơi học tập mà chưa làm được gì nhiều" - ông Sơn bày tỏ.
Du lịch gắn với phát triển cộng đồng
Trước đây, các công ty lữ hành dẫn khách đến Đường Lâm thăm các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, sau đó đưa khách đi nơi khác ăn cơm, thế nên người dân không được hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân đã biết cách chế biến ngon, trình bày bữa ăn đẹp mắt với những đặc sản gà mía, bánh tẻ, tương, rau sạch… nên các công ty hoàn toàn có thể dẫn khách đến ăn cơm với giá cả hợp lý. Du khách cũng có thể mua thực phẩm sạch, đặc sản của Đường Lâm về làm quà như: Gà mía, chè lam, kẹo vừng, bánh gai, bánh tẻ, tương, rượu, khoai lang… Trong đó, nhiều mặt hàng đã được đăng ký chất lượng sản phẩm, mẫu mã kinh doanh nên du khách hoàn toàn có thể yên tâm. 
Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Quỳnh Anh
Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Quỳnh Anh
Hiện, nhiều hộ dân làng cổ đã làm được các sản phẩm du lịch có thương hiệu để làm giàu. Một số hộ thu nhập được từ 10 - 30 triệu đồng/tháng như gia đình bà Hiền Bao, nhà anh Hùng, anh Thể, anh Hiến… Là một trong những hộ đón được nhiều khách nhất Đường Lâm, ông Hà Hữu Thể cho biết: "Làm du lịch cộng đồng sẽ giúp người dân sống trong di tích có lợi nhiều nhất. Bởi vì, chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, "ly nông" mà không "ly hương", có thể thu lợi từ việc bán các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao văn hóa như giao tiếp và cả trình độ ngoại ngữ". Chẳng những thế, du lịch cộng đồng còn mang đến cho các công ty lữ hành và du khách những sản phẩm truyền thống, mang tính chất vùng miền của khu di tích Đường Lâm cùng những trải nghiệm thú vị.  Mong muốn thu hút trên 1 vạn khách đến với Đường Lâm trong năm 2014, tận dụng Ngày Du lịch thế giới (27/9) với chủ đề "Du lịch và sự phát triển của cộng đồng" Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đang kêu gọi các doanh nghiệp đưa khách đến Đường Lâm để trải nghiệm. Đồng thời, tham gia tích cực vào các chương trình xúc tiến du lịch của Hiệp hội Du lịch Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước để thu hút du khách. Tin rằng, với những nỗ lực trên, người dân Đường Lâm sẽ ngày càng được hưởng nhiều lợi ích từ du lịch cộng đồng và tích cực tham gia bảo tồn di tích làng cổ.
Nguồn: ktdt.vn