“Gia tài” của những “ông chủ trẻ”

“Gia tài” của những “ông chủ trẻ”
Trước thềm Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X, chúng tôi có dịp về huyện Tiên Du - một trong những nơi có phong trào “Đồng hành với thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp” sôi nổi nhất tỉnh Bắc Ninh.

 

Chúng tôi được anh Nguyễn Hữu Hùng Chiến, Bí thư Huyện đoàn đưa đi tham quan mô hình làm kinh tế của một số thanh niên nông thôn trên địa bàn. Quả thực, có tận mắt chứng kiến “gia tài” của những “ông chủ trẻ”, chúng tôi mới hiểu rõ hơn vai trò của tổ chức đoàn trong việc định hướng, giúp đỡ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) lập thân, lập nghiệp.

Thăm mô hình kinh doanh hoa, cây cảnh của đoàn viên Nguyễn Văn Nam (thôn Giới Tế, xã Phù Lâm), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được biết, doanh thu mỗi năm của anh đạt hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động. Đó là kết quả của việc Nam được Huyện đoàn định hướng để nắm bắt nhu cầu thị trường và tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Nhờ vậy, Nam đã mạnh dạn đấu thầu gần 2000m2 đất khu chuyển đổi cơ cấu kinh tế để trồng, kinh doanh hoa và cây cảnh. Không những làm giàu cho bản thân và gia đình, Nam còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều thanh niên khác trong xã về kỹ thuật, giống cây trồng, cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Nam thổ lộ với chúng tôi: “Thành quả hôm nay của tôi, có dấu ấn vô cùng sâu sắc của tổ chức đoàn”.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Tiên Du thăm mô hình kinh doanh hoa, cây cảnh của đoàn viên Nguyễn Văn Nam (thôn Giới Tế, xã Phù Lâm).

Chúng tôi còn được “thực mục sở thị” nhiều mô hình kinh tế khác, như: Trang trại VAC của đoàn viên Nguyễn Văn Khá, thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm; mô hình kinh doanh giấy và bao bì của đoàn viên Nguyễn Nhân Phúc, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30-40 lao động…

Còn rất nhiều mô hình làm kinh tế giỏi của thanh niên huyện Tiên Du. Chúng tôi đã không còn ngạc nhiên với điều đó khi được anh Chiến cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN phát triển sản xuất, kinh doanh, Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân hơn 6,5 tỷ đồng cho 490 hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, hằng năm, các cấp bộ đoàn trong huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, nuôi trồng thủy sản… thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Một kinh nghiệm quan trọng được chúng tôi rút ra là: Muốn giúp thanh niên, trước hết những người làm công tác đoàn phải thực sự tâm huyết, sâu sát, bám nắm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành với họ trong mọi hoàn cảnh”.

Với việc làm trên, nhiều ĐVTN đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề truyền thống. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện có gần 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.

Anh Chiến cho biết thêm: “Thời gian tới, Huyện đoàn Tiên Du tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn, trong đó chú trọng việc giúp thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế…”.

Bài và ảnh: ĐỖ HƯƠNG
Theo qdnd.vn