Giật mình với những tỉ phú gió trầm ở vùng quê nghèo
- Thứ tư - 12/11/2014 21:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vào những ngày đầu tháng 9, chúng tôi ngược lên miền núi, có dịp ghé qua vùng đất xã Phúc Trạch nổi tiếng với đặc sản bưởi cùng tên. Sống ở “vựa bưởi” có giá trị kinh tế cao, hẳn nhiên ai cũng nghĩ những ngôi nhà xây sang trọng thấp thoáng dưới những vườn cây xanh mượt do cây bưởi tạo nên.
Nhưng thật ngạc nhiên khi nhiều người dân nói rằng, bưởi cho thu nhập cao, nhưng do khí hậu, thổ nhưỡng, đầu tư kém nên lắm bấp bênh, khấm khá thì có, nhưng để vươn lên thành tỉ phú chỉ có mỗi cây gió trầm. Cũng vì thế thật dễ hiểu, khi đến vùng đất Phúc Trạch, từ trong UBND xã cho đến khuôn viên trường học, hay những khu đất dọc bờ kênh đâu đâu cũng thấy cây gió trầm.
Theo chân anh Đinh Văn Phương (SN 1964) chủ tịch hội nông dân xã Phúc Trạch, chúng tôi được tận mắt chứng kiến, những "rừng trầm" do nông dân nơi đây trồng xanh ngắt, chạy dài hàng cây số. Vị “tỉ phú” đầu tiên mà anh Phương dẫn tôi ghé thăm là hộ ông Nguyễn Văn Phương, trú tại xóm 8. Ông Phương sinh năm 1940, sức khỏe còn tốt lắm. Ông nở nụ cười tươi rói nói rằng, cây gió trầm không chỉ giúp gia đình ông làm giàu mà còn khiến đời sống tinh thầncủa ông thoải mái. Không tươi sao được khi ông không giấu kể số tài sản "khủng" liên quan đếngió trầm.
Ông Phương với gốc trầm đã được thương lái trả giá trên 100 triệu đồng
“Nhà tôi có hơn 0,5 hecta đất vườn, loại cây gió trầm có giá trên 100 triệu có 6 cây, loại cây có giá từ 50 triệu trở lên thì có 15 cây, loại có giá 20 triệu là 50 cây, còn loại cây 3 đến 4 triệu có đến hàng nghìn cây. Tính sơ sơ tôi cũng đã có hàng tỉ đồng rồi"- ông Phương chỉ cho chúng tôi xem những cây trầm trong vườn nhà rồi nói.
Vườn trầm trị giá hàng tỉ đồng của ông Phương
Cách nhà ông Phương không xa, lại là một tỉ phú gió trầm khác, tên Lê Hữu Thọ (SN 1958). Anh Thọ vừa trồng cây gió trầm vừa có xưởng tạo gió cảnh để tận dụng nguồn gỗ gió trong vườn. Gió cảnh được chạm khắc từ thân cây gió với hình thù rất đẹp, lạ mắt, lại mang tính tâm linh cao, được thương gia từ khắp nơi đổ về mua rất nhiều.
Tính trung bình, với một sản phẩm gió cảnh, anh Thọ thu lợi từ 2 - 3 triệu đồng. Xưởng của anh tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động địa phương, thu nhập mỗi người từ 100.000-150.000 đồng/ngày.
Gia đình anh Thọ có nguồn thu lớn từ cây gió trầm và sản phẩm gió cảnh
Anh Thọ bên hai sản phẩm gió cảnh đang chờ bàn giao cho khách
Nhìn vào cơ ngơi của vợ chồng anh Thọ với những kiệt tác gốc trầm tự chế tiền tỉ dựng trong nhà, và vườn cây đang có độ tuổi 7 đến 8 năm. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi, không khỏi xuýt xoa tấm tắc khen ngợi.
Dẫn chúng tôi vào khu vườn rộng 1 hecta của mình, anh Phương nói: "Khu vườn của tui rộng 1 hecta, tất cả diện tích đều trồng trầm, trong vườn hiện tại có vài chục cây với độ tuổi 30 đến 40 năm, mỗi cây với giá bán hiện tại có thể lên tới 200 triệu đồng. Còn số cây có giá từ 50 đến 100 triệu đồng thì rất nhiều". Với 1 hecta vườn cây gió trầm và giá bán hiện tại, anh Phương đang có trong tay hàng tỉ đồng.
Vườn gió trầm của anh Thọ được định giá hàng tỉ đồng
Nói về cây gió trầm bà Trần Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Nếu trước đây phần lớn các hộ dân ở Phúc Trạch trồng bưởi, thì nay do rất dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều, ít sâu bệnh và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai nên người dân đã trồng xen dặm, hoặc phá bỏ những vườn bưởi già, kém hiệu quả để trồng gió trầm. Số hộ trồng gió trầm vì thế xấp xỉ 100%. Hiệu quả kinh tế của cây gió trầm mang lại cho người dân và địa phương là rất lớn”.
Vì lợi nhuận cao, không tốn công chăm sóc nên người dân Phúc Trạch đang đẩy mạnh trồng gió trầm
Còn Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê - ông Nguyễn Trọng Hoài cho biết: "Toàn huyện ước tính hiện có gần 1.000 ha gió trầm, dù là cây mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng những bài học "nhỡn tiền" ở một số địa phương nên huyện vẫn đang có những bước đi rất thận trọng.
Yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ, không cho chặt bỏ ồ ạt các cây trồng phù hợp khí hậu, ổn định từ trước để trồng gió trầm. Nếu trồng ồ ạt, sẽ phá bỏ cơ cấu cây trồng hiện tại, gây lãng phí lớn. Tình hình sẽ khó khăn hơn nếu giá trị kinh tế cây gió trầm thiếu ổn định”.