Giàu lên nhờ làm bột, nuôi heo

Giàu lên nhờ làm bột, nuôi heo
Làng nghề làm bột Tân Phú Trung (Châu Thành - Đồng Tháp) có lịch sử phát triển khá lâu đời, làm nên thương hiệu bột gạo, bột nếp hiệu “Con nai” nổi tiếng khắp Nam Bộ. Đến với làng nghề, chúng tôi khám phá thêm nhiều điều hấp dẫn từ hạt gạo Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày nay, các loại bột và sản phẩm làm từ bột của làng nghề Tân Phú Trung vẫn là thương hiệu đáng tin cậy với khách hàng. Từ bột gạo, người ta làm ra bánh tráng, bún, bánh phở, hủ tiếu, bánh ướt và hàng chục loại bánh khác.

Đầu năm 1999, ấp Tân Phú (Tân Phú Trung) thành lập tổ hùn vốn làm bột kết hợp nuôi heo với 10 thành viên, số vốn ban đầu 500.000 đồng. Phương thức hoạt động chủ yếu là hỗ trợ nhau duy trì nghề làm bột. Một mối lợi khác của nghề làm bột là dùng cặn bột để nuôi heo khá hiệu quả. Với mô hình sản xuất khép kín, chỉ sau 5 năm, tổ hùn vốn ngày càng ăn nên làm ra, từ chỗ chỉ sản xuất và tiêu thụ 3-4 tấn bột/tháng, nay tăng lên vài chục tấn/tháng, đồng thời gây dựng đàn heo cả trăm con kết hợp xây hầm biogas làm khí đốt cho gia đình, với thu nhập 10-20 triệu đồng/thành viên/tháng và giúp 4 hộ thoát nghèo.

Cuối năm 2006, Tân Phú Trung được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là làng nghề làm bột truyền thống kết hợp nuôi heo. Hiện, làng nghề có 123 thành viên, không chỉ trong ấp mà lan ra toàn xã, sản xuất và tiêu thụ trên 1.000 tấn bột/năm, cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh như Bích Chi, Sa Giang, Hòa Hưng, Lộc Sánh và nhiều doanh nghiệp lớn ở TP.Hồ Chí Minh. Đàn heo lên đến gần 3.000 con, thu nhập đạt 100 - 250 triệu đồng/hộ/năm. Hiện, làng nghề làm bột Tân Phú Trung có trên 75% số hộ sản xuất bột có hầm biogas, đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm. 

 

Mô hình làm bột kết hợp nuôi heo của ông Dương Văn Mơi.


Chúng tôi theo chân ông Dương Văn Mơi, Trưởng ban làng nghề Tân Phú Trung, đến trại heo nhà ông Nguyễn Văn Chung ở ấp Tân Phú. Ngoài nghề làm bột, nhà ông thường xuyên có đàn heo thịt 20 - 30 con. Trao đổi với chúng tôi, ông Chung mô tả rất chi tiết các công đoạn làm bột: “Đầu tiên là ngâm tấm với nước chừng 30 phút. Lượng tấm ngâm tùy theo mỗi gia đình, thường thì ngâm 100 - 200kg/ngày (giá tấm dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg). Sau đó cho tấm vào cối xay bằng điện, nước bột từ cối chảy ra cho vào một cái túi vải (người địa phương gọi là bồng) để chờ cho tinh bột đông lại. Tiếp đó cho lượng bột vào một cái bồn khuấy cho đều (khuấy bằng máy). Bột khuấy xong cho vào bồn xả cùng với dung dịch nước dâm bụt. Nhờ có chất nhớt của dâm bụt nên tinh bột sẽ nổi lên trên, chỉ việc xả vào một cái bồn chứa lớn. Phần lắng dưới đáy gọi là bột cặn dùng để cho heo ăn. Phần tinh bột trong bồn chứa lớn thì dùng để phơi làm bột thành phẩm và bán cho bạn hàng. Bột thành phẩm bán với giá 14.000 - 15.000/kg”. Làm bột kết hợp nuôi heo giúp người dân Tân Phú Trung không chỉ thoát nghèo mà còn có nhiều hộ trở nên khá - giàu.

 

“Đi qua mấy thế kỷ, nghề làm bột ở Tân Phú Trung góp phần không nhỏ cho tiến trình phát triển của quê hương. Bột hồi xưa làm từ gạo, nhưng mấy chục năm nay chúng tôi làm bằng tấm vì giá rẻ hơn, xay nhanh hơn. Kỹ thuật, thiết bị làm bột được cải tiến; vo, xay tấm, đánh bột, bơm bột và nước lên hồ lắng đều bằng máy. Hồ lắng, hồ lọc lấy bột tinh chỉ cần mở van xả nước. Mỗi ngày, nhà làm ít nhất cũng 100kg tấm, được 70kg bột khô. Làm bột lợi nhuận không cao, nhưng sống được nhờ kết hợp nuôi heo. Cứ 3-4 tháng bán một lứa heo, thu lợi nhuận kha khá”, ông Mơi nói.

Phương Nghi(kinhtenongthon.com.vn)