'Giúp cho dân nghèo thoát được nghèo là hạnh phúc của tôi'
- Chủ nhật - 07/01/2018 01:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với hai mươi năm "cắm chốt" vùng biên giới cửa khẩu Cầu Treo, trái tim anh và đồng đội đã "rút sợi thương đan vòm xanh" cho đồng bào dân tộc Mông (bản Thoong Pẹ) thoát nghèo. Nhân dịp đầu xuân Nhâm Tuất 2018, chúng tôi đã có dịp trao đổi với anh xung quanh chủ đề này.
Đại tá Võ Trọng Hải. |
PV: Nhiều người vẫn bảo anh là người có công "Hàn gắn lại vết nứt tình cảm giữa bộ đội biên phòng đồn Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với bà con dân tộc Mông bản Thoong Pẹ. Họ nói thế có đúng không ?
Đại tá Võ Trọng Hải: Họ nói đúng đấy. Tôi xin kể vài câu chuyện cho anh nghe về người Mông ở bản này một tý. Ngày ấy cách đây mười chín năm, tôi mới chỉ quân hàm thiếu úy thôi, được đồn trưởng đồn cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Nguyễn Văn Tiến gọi lên và giao nhiệm vụ "Hàn gắn lại vết thương tình cảm giữa bộ đội biên phòng với dân bản Thoong Pẹ".
Khi mệnh lệnh cấp trên đã phân công, mình phải tuyệt đối phục tùng, việc này không chỉ có tôi mà hai đồng chí nữa. Thú thật lúc đó tôi rất lo, không hiểu mình có tiếp cận được với dân không, bởi vừa xẩy ra một sự đụng độ ở ngay chợ biên giới Việt - Lào. Chợ này họp bên đường đi, chỉ cách trạm cửa khẩu khoảng 500m. Người Việt và người Lào thường xuyên trao đổi hàng hóa với nhau.
Hôm đó, vào một buổi sáng ngày rằm người khá đông đúc, tổ công tác tuần tra biên phòng tình cờ nghe được tiếng la hét lớn của một phụ nữ, khi phát hiện một nam thanh niên người Mông đang lấy cắp hàng mình. Lập tức anh thanh niên nọ được đưa về trạm để làm rõ vụ việc. Mặc dầu tang chứng đã rõ ràng, thế nhưng chàng thanh niên kia vẫn chối tội đây đẩy. Tổ điều tra của Trạm của khẩu Cầu Treo bắt buộc anh ta ký vào biên bản, nhưng anh ta nhất mực không chịu ký. Do quá giận về sự thiếu trung thực, một người lính biên phòng đã dí roi điện vào tay, cuối cùng anh ta chấp nhận ký và nộp tang vật trả lại cho người bị mất cắp.
Sau đó về lại bản, anh ta “bắn tin” khắp làng rằng Bộ đội biên phòng đánh đập mình và làm nhục mình một cách tàn nhẫn.
Tưởng chuyện nhỏ, ai ngờ nẩy sinh ra mâu thuẫn lớn, người Mông ở bản Thoong Pẹ cho rằng: Bộ đội biên phòng "chơi xấu" họ nên họ không tin nữa. Thế là một nhóm người trong bản nổi dậy kháng cự. Hàng ngày, họ cầm dao, rựa, gậy gộc đứng bao vây đầu cửa khẩu để chặn đứng hành khách và xe chở hàng hóa qua lại. Cả đơn vị phải mất thời gian dẹp trật tự hàng tiếng đồng hồ mới thông quan được.
Trong bối cảnh này, biết tôi linh hoạt, mềm mỏng trong giao tiếp nên đồng chí đồn trưởng Nguyễn Văn Tiến mới giao nhiệm vụ đi làm công tác hòa giải. Vấn đề hệ trọng đầu tiên mà đồn trưởng yêu cầu là tôi cùng tổ công tác phải làm sao tiếp cận và thuyết phục được ông Soong Giở - trưởng bản, rồi sau đó mới thuyết phục dân...
Khi chúng tôi tới nhà trưởng bản Soong Giở, đã gặp ngay thái độ bất bình rồi. Tôi vào cửa trước là ông Soong Giở vội đi ra cửa sau biến mất. Nhưng tôi cùng với anh em kiên trì bám ông, lần thứ nhất tổ công tác tiếp cận hỏi thăm ông Soong Giở, ông không thèm trả lời. Lần thứ hai, tiếp cận ông Soong Giở gợi chuyện, ông Soong Giở có “cười gượng” và nói “dăm câu ba điều”, nhưng thái độ rất hờ hững, lạnh lùng. Lần thứ ba, chúng tôi lại tiếp tục đến nhà ông Soong Giở, thấy ông và cậu con trai cả đang làm chuồng lợn. Tôi cùng với tổ công tác ra tận chuồng lợn, ngồi tâm sự với cha con ông… Bỗng thấy ông vui hơn mọi ngày, thế là chúng tôi góp công giúp ông "cải tạo" lại cái chuồng lợn. Cả ba anh em chúng tôi, tuy không phải thợ mộc nhưng đứa nào cũng biết đục, biết cưa, biết bào, chuốt các phiến gỗ, khiến trưởng bản Soong Giở bắt đầu phục chúng tôi.
Bữa trưa ấy, sau khi làm xong chuồng lợn, trưởng bản Soong Giở đưa ché rượu cần mời anh em chúng tôi. Ông gọi thêm những người trong bản cùng đến uống, không khí bắt đầu vui vẻ lên. Qua tiếp cận, tôi hiểu gia đình ông Soong Giở cuộc sống đang chật vật nên tôi quyết định dốc hết toàn bộ tiền lương trong tháng của mình và tiền phụ cấp đi công tác của mình là 650 ngàn và nói với ông: "Biết bác đang chuẩn bị nuôi lợn, anh em biên phòng xin gửi biếu bác ít tiền để ra chợ mua thêm một đôi lợn giống, mong bác “mát tay nuôi lợn” chóng lớn". Thú thật lúc ấy ví tôi đã hết nhẵn tiền, về đến đơn vị tôi mượn tạm anh em ba mươi ngàn đồng, dùng mua xăng xe máy, thấp thỏm chờ đến đầu tháng để có lương mới. Nhưng tôi thấy trong người phấn chấn hẳn lên. Sau đó, tổ công tác biên phòng tới đã được trưởng bản Soong Giở mời bà con đến giao lưu với bộ đội biên phòng múa hát tới khuya.
PV: Khi tình cảm đã gắn bó anh có cách gì để giúp họ "xóa đói giảm nghèo" ?
Đại tá Võ Trọng Hải: Trong nhiều lần, ông Soong Giở đưa anh em bộ đội biên phòng chúng tôi xuống bản, tôi mới hiểu rõ được thực tế khó khăn hoàn cảnh từng gia đình người Mông. Cả bản Thoong Pẹ lúc đó có 225 gia đình, nhưng gần 85% thiếu ăn, thiếu mặc, và không biết chữ. Hầu hết người Mông chưa biết trồng lúa nước, chỉ biết đốt rừng làm rẫy, trỉa lúa, gieo ngô. Đa số dân đều siêng năng cần cù, sáng chưa bảnh mắt đã lên nương, nhưng đến “mùa giáp hạt” đói vẫn hoàn đói, bởi năng suất ngô, lúa gieo trồng trên nương rẫy đều đạt thấp.
Điều tôi cảm thấy bức xúc hơn, rất nhiều diện tích có thể làm ruộng cấy lúa được lại để hoang hóa. Trong lúc đó, tại các triền núi bà con người Mông lại hăng hái trồng cây thuốc phiện. Chính đưa cây thuốc phiện vào vùng đất này, giàu có chẳng thấy đâu, nghèo lại tiếp tục nghèo thêm và gây nên sự bất an cho toàn bản. Thời ấy, bản Thoong Pẹ trở thành "điểm nóng" về buôn bán thuốc phiện, trong bản đã xuất hiện một số con nghiện và các phần tử xấu từ nhiều nơi trà trộn vào " ăn hàng " và lôi kéo người dân hiền lành, nhẹ dạ cả tin vào “vòng xoáy lầm lỗi” này.
Sau những lần đi công tác như thế, nhiều đêm đắp chăn nằm ngủ mà không tài nào chợp mắt đươc, bởi hình ảnh cây cây thuốc phiện trên núi luôn làm tôi ám ảnh. Tôi ngẫm nghĩ "Muốn xóa đói giảm nghèo cho bà con dân bản, phải triệt tiêu được cây thuốc phiện và thay thế loại cây mới, vừa dễ trồng vừa có hiệu quả kinh tế ". Tại một cuộc họp cán bộ và chiến sĩ đồn cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tôi đã đưa ra vấn đề mang tính vừa cấp bách, vừa lâu dài cho bà con người Mông bản Thoong Pẹ là phải vận động nhân dân xóa bỏ ngay cây thuốc phiện, thay thế nhanh cây trồng khác. Xóa bỏ ngay tệ nạn mê tín, mời thầy cúng đến đuổi ma cho người ốm. Xây dựng củng cố mạng lưới an ninh trong bản, để đẩy đuổi hết những phần tử xấu đang móc nối và phá hoại dân bản..
Tôi nêu ra những thông số, cứ liệu trong cuốn sổ tay ghi chép của mình để đưa ra tập thể bàn bạc thật kỹ lưỡng, thống nhất phương án. Cụ thể ở khu vực Thoong Pẹ, diện tích đất đồi núi của bản thì nơi nào nên trồng gừng, nơi nào vẫn duy trì trồng ngô, nơi nào trồng cây lâm nghiệp.. Dân vừa trồng cây, vừa tiếp tục phát triển chăn nuôi, nhất là chăn gia súc gia cầm, đặc biệt là nuôi lợn. Phải hướng dẫn dân làm chuồng lợn mới, nuôi thêm nhiều con trong chuồng. Nhưng muốn để dân giã từ cây thuốc phiện, thì trước hết phải giúp dân về vốn, về giống đã. Vấn đề tôi đưa ra đều rất đúng với thực tiễn, nên được cả tập thể anh em đơn vị đồng tình, nhất trí cao. Nhưng từ bàn bạc tại nghị trường, đến thực tiễn địa phương để bà con nghe mình, tin mình đâu phải chuyện dễ dàng. Qua tham mưu của tôi, đồng chí đồn trưởng đích thân đến tận tất cả người dân trong bản, khảo sát lại thực tế rồi tiến thống kê danh sách: nhà nào chưa có trâu bò, bộ đội biên phòng cho vốn để mua trâu bò, nhà nào đang thiếu lợn, chúng tôi cho vốn để mua lợn. Không ít gia đình, thiếu cả dao phát rẫy chúng tôi cũng sắm dao rựa cho họ luôn.
Xuất phát từ tấm lòng của người lính biên phòng yêu thương dân thực sự, nên khi đơn vị phát động mọi người đều hưởng ứng nhiệt liệt. Ngoài trích từ tiền tăng gia sản xuất trong đơn vị, mỗi cán bộ chiến sĩ Đồn cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đều tự nguyện tiết kiệm mỗi tháng 2 ngày lương giúp bà con bản Thoong Pẹ phát triển chăn nuôi và trồng trọt...
Sau ba năm, mở chiến dịch giúp dân, chúng tôi đã ủng hộ được cho bà con 57 con trâu bò, 253 con lợn giống. Nhờ vậy, những gia đình nghèo đều có trâu bò và lợn chăn nuôi. Tôi tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu tác hại của cây thuốc phiện, yêu cầu bà con phá bỏ ngay, để trồng gừng và trồng cây lâm nghiệp, bộ đội sẽ cung ứng giống tới tận bản. Bà con nghe theo, ra nương đào nhổ hết. Năm đầu tiên cả bản Thoong Pẹ trồng 8 ha gừng, trồng hơn 20 ha keo có gia đình thu lãi 15 triệu - 20 triệu đồng. Từ triển khai công việc trên đồi, tôi tiếp tục bàn bàn bạc với trưởng bản Soong Giở, lập kế hoạch tận dụng khe suối đắp đập Nậm Hờ để trồng lúa nước.
Sau 20 năm đổi mới, bây giờ bản Thoong Pẹ đã phát triển tới 305 hộ gia đình với 2346 nhân khẩu, số hộ nghèo chỉ còn lại khoảng 6 %, trong bản nhiều gia đình có tới 4 tấn - 5 tấn thóc, 12 hộ có máy cày, 7 hộ có ô tô. Hệ thống về điện, trường học và đường sá trong thôn cơ bản hoàn chỉnh.
PV: Bà con người Mông bản Thoong Phẹ còn phục anh khi anh khởi xướng chương trình "giúp dân xây dựng trạm y tế bản ?
Đại tá Võ Trọng Hải: Phải hiểu được rằng người dân tộc miền núi nói chung và người Mông ở bản Thoong Pẹ nói riêng, họ rất thiệt thòi về việc chăm sóc sức khỏe, với việc nâng cao dân trí. Chính vì thế, nên khi đau ốm họ chỉ có mời thầy mo đến cúng. Sau những lần đến bản, y sĩ của đơn vị chữa bệnh cho dân, cấp thuốc trực tiếp cho dân, tôi thấy vẫn còn nhiều điều bất cập vì anh em mình đi lại xa. Người Mông khi đau ốm đột xuất, lại tất tả chạy đến đồn biên phòng để nhờ cứu chữa. Do vậy tôi mới ấp ủ chương trình “Xây dựng trạm y tế bản Thoong Pẹ”.
Điều may mắn, là hầu hết các doanh nghiệp tôi quen biết họ đều tự nguyện đóng góp tiền để làm điều thiện này. Năm 2007 bắt đầu khởi công xây dựng, số tiền đơn vị huy động được hơn 1 tỷ đồng. Trạm được dựng trên một ngọn đồi, với địa điểm rất gần dân, các giường bệnh đều có tiện nghi sinh hoạt tốt để dân bản tới khám và điều trị. Đồn biên phòng cử ba y sĩ ở tại trạm để làm công tác chăm sóc sức khỏe cho dân. Trạm y tế này không chỉ khám và điều trị cho dân trong bản Thoong Pẹ, còn phục vụ cho các bản khác ở huyện Căm Cớt. Từ khi có trạm y tế bản, dân thấy tiện ích lớn, bởi họ đến đây điều trị không cần phải các thủ tục rườm rà, không mất các tiền dịch vụ khám và chữa bệnh, họ còn được cấp thuốc miễn phí bộ đội biên phòng cho. Trường hợp người nào bị ốm đau nặng thì bộ đội chuyển kịp thời lên tuyến trên điều trị.
PV: Bây giờ ở cương vị mới là chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, anh vẫn có những chương trình thiết thực giúp đỡ người nghèo phải không?
Đại tá Võ Trọng Hải: Bản thân tôi xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nên tôi rất hiểu sự vất vả của người nghèo. Tôi quan niệm rằng: nếu giúp được người nghèo thoát nghèo, đó là hạnh phúc của đời tôi. Từ nhiều năm nay, tôi thường xuyên tìm hiểu kỹ hoàn cảnh những gia đình gặp rủi ro, những người còn ở "nhà tranh, vách đất dột nát" trên địa bàn Hà Tĩnh, tiếp tục vận động cán bộ chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh với các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp làm ăn khá chung tay xây dựng “ Nhà tình thương". Với chương trình này, bộ đội biên phòng sau nhiều năm phát động đã xây dựng được gần 300 nhà tình thương, trị giá trị giá hơn 10 tỷ đồng và 3 công trình dân sinh trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Mục đích tiến xa hơn nữa là chúng tôi ủng hộ vốn các làng nghèo, tham gia làm các cơ sở hạ tầng trong phòng trào xây dưng " xây dựng nông thôn mới".
Xin cảm ơn anh!