Gỡ khó cho “Cánh đồng mẫu lớn”
- Thứ ba - 09/10/2012 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình "ưu việt" Mô hình CĐML lần đầu tiên ở ĐBSCL là ở vụ đông xuân 2010-2011 và hè thu 2011 với sự tham gia của hơn 6.400 hộ nông dân với diện tích 8.200ha (riêng vụ hè thu 7.800 ha). Vụ đông xuân 2010-2011, chi phí sản xuất 1kg lúa trên cánh đồng lớn đầu tiên, diện tích hơn 1.000 ha tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang giảm tới 30% so với canh tác nông hộ nhỏ lẻ. Với năng suất đạt 8 – 9 tấn/ha, giá bán từ 6.300 – 6.700 đồng/kg, gần 500 hộ dân tham gia đạt mức lợi nhuận rất cao, hơn 150%. Vụ hè thu 2011, năng suất bình quân lên đến 6,1 tấn/ha, cao hơn 200kg so với các hộ canh tác bên ngoài, giá thành sản xuất dưới 2.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Hàng ngàn nông dân Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang tham gia CĐML vụ hè thu 2011 đạt hiệu quả rất cao, nhiều diện tích lúa đạt năng suất hơn 7 tấn/ha; chi phí sản xuất giảm từ 300-900 đồng/kg; lợi nhuận từ 23-28 triệu đồng/ha… Mô hình được sự đồng thuận của bà con nông dân. Các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần BVTV An Giang, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Gentraco... mạnh dạn đầu tư với lãi suất 0%, thông qua việc cho nông dân ứng trước giống xác nhận, phân bón, nông dược và cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ quy trình sản xuất. Đặc biệt doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá luôn cao hơn thị trường nên nông dân thoát cảnh "trúng mùa, rớt giá". Bước đầu, ở góc độ mô hình thí điểm, bài toán làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, nâng tầm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam lên vị thế mới đã có lời giải thỏa đáng. Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học xác định việc tập trung đầu tư, mở rộng mô hình mới này tại vựa lúa ĐBSCL là rất cần thiết. Nhận diện bất cập Từ vụ đông xuân 2011-2012, đến vụ hè thu này, tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt, giá cả lúa gạo liên tục bấp bênh; không còn thuận lợi như năm 2011. Mô hình CĐML đang được nhân rộng tại ĐBSCL với diện tích hơn 30.000 ha đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhược điểm, đặc biệt là khó khăn về đầu ra sản phẩm. Mối quan hệ giữa 2 chủ thể chính là nông dân-doanh nghiệp có dấu hiệu… rạn nứt. Vụ đông xuân vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Tân Cường (Đồng Tháp) đại diện nông dân ký hợp đồng bao tiêu 400ha lúa Jasmine với một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại địa phương. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng ghi nhớ, không có sự ràng buộc giữa 2 bên. Cho nên khi giá lúa sụt giảm, đơn vị này tìm đủ mọi lý do để "bỏ rơi" nông dân. Trong khi đó, ở Trà Vinh, Kiên Giang… tình trạng doanh nghiệp đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, giống nhưng không bao tiêu hết sản phẩm làm ra của nông dân diễn ra khá phổ biến. Vì thế, tình trạng nông dân bán lúa trong CĐML cho thương lái bên ngoài trở nên phổ biến và cảnh bị ép giá đi kèm với điệp khúc trúng mùa mất giá… quay trở lại! Thực tế cho thấy, chính quyền, nông dân các địa phương có xây dựng cánh đống mẫu lớn nông dân đều "rất sợ" và không tin tưởng ở hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Bởi vì chỉ khi nào doanh nghiệp có nhu cầu thật sự mới mua còn không thì đưa ra rất nhiều lý do như: lúa ướt, độ ẩm cao, gãy… để bẻ kèo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khi giá lúa lên cao, nông dân sẵn sàng bỏ hợp đồng để bán cho doanh nghiệp khác hoặc thương lái bên ngoài. Về phía các doanh nghiệp dù cố gắng lắm vẫn không xử lý hết lượng lúa lớn của nông dân cùng một thời điểm vì hệ thống lò sấy, kho chứa chưa đủ lớn. Cả nước có 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng cho tới nay, số đơn vị tham gia xây dựng CĐML, đặc biệt là hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp bấm bụng mua lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg, nhưng khi xuất khẩu thì giá bằng với các doanh nghiệp khác - vốn không ký kết hợp đồng. Hiện mô hình CĐML vẫn được các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và nông dân xác định là hướng đi rất cần thiết để tiến đến nền sản xuất lớn, hiện đại, bền vững; xây dựng được thương hiệu hạt gạo Việt Nam, hài hòa lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay ở mô hình này là "bài toán" đầu ra sản phẩm của nông dân. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: "Khi mô hình CĐML được thực hiện đại trà trên diện tích lớn thì lo ngại lớn nhất là năng lực của các doanh nghiệp không đáp ứng. Hiện có nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực trong khâu vận chuyển, phơi sấy, kho trữ… nên khi nông dân thu hoạch đồng loạt dẫn đến dồn ứ; doanh nghiệp không tiêu thụ hết…". Giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng đủ kho chứa, nhà máy sấy; phương tiện để đảm bảo thực hiện hợp đồng". Theo GSTS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, mô hình này giúp nông dân trồng lúa tốt nhưng chưa giúp họ bán được lúa. Cần có sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước thì mô hình này mới thật sự bền vững. Về vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: "Về trình độ sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL có thể ngang bằng, không thua kém nước bạn Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta thua ở khâu tổ chức sản xuất. Nông dân trồng lúa ĐBSCL không có điều kiện tạm trữ lúa tại nhà, cộng với áp lực trang trải cuộc sống, trả nợ nần, chuẩn bị cho vụ sau nên đa số là bán lúa ngay khi thu hoạch… Và tất nhiên là giá thấp, lợi nhuận kém… dẫn đến thua lỗ. Vấn đề rất quan trọng là Chính phủ nên tập trung đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy lúa; đảm bảo 30% nhu cầu cũng tốt lắm rồi. Đặc biệt, Chính phủ có thể đứng ra thu mua lúa gạo với giá đảm bảo có lợi cho nông dân với 2 mục tiêu: an ninh lương thực và thương mại. Đối với lượng lúa thương mại, khi thị trường thuận lợi, giá lên thì Chính phủ cho các doanh nghiệp đấu giá. Làm cách này vừa có lợi cho nông dân, vừa có nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Có chính sách cho HTX vay vốn thu mua tạm trữ, cho nông dân ký gởi. Hệ thống các ngân hàng nên cho nông dân vay 1 năm chứ không theo mùa vụ vài tháng như hiện nay, nhằm giúp họ có điều kiện chờ giá lúa lên để bán, đảm bảo lợi nhuận…".
| |