HLV Bình Định: Điểm tựa của phong trào phát triển kinh tế VAC

HLV Bình Định: Điểm tựa của phong trào phát triển kinh tế VAC
- Những năm qua, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Bình Định luôn thể hiện vai trò là chỗ dựa vững chắc cho hội viên trong phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC), kinh tế trang trại (KTTT). Nhờ sự giúp đỡ, tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ vốn vay kịp thời của Hội, nhiều hội viên, nông dân đã biết cách làm ăn, từng bước thoát nghèo.
 
Nông dân tham quan mô hình sản xuất RAT tại làng rau Thuận Nghĩa (Phú Phong - Tây Sơn).

Theo HLV Bình Định, đến nay, toàn tỉnh có 402 chi Hội với gần 70.000 hội viên, phân bổ tại 11 huyện, thành phố. Do có tiềm năng đất đai, nguồn lao động nên những năm qua, phong trào làm kinh tế VAC phát triển khá mạnh ở Bình Định, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng khá. Qua báo cáo của các HLV địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có trên 14.000 vườn tạp, ao hoang được cải tạo thành vườn kinh tế cho thu nhập cao, với các đối tượng vật nuôi chính là cá, gà, dông, chim bồ câu, nhím, heo rừng… Các địa phương có số vườn tạp được cải tạo nhiều là An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh… Hầu hết các vườn được cải tạo đều có điều kiện thâm canh tốt, tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa lớn nên thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt.

Ông Tống Nhuệ, Chủ tịch HLV Bình Định cho biết: Để giúp hội viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào làm kinh tế VAC, từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt hội viên, trong đó đáng chú ý là các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, trồng rau sạch, phát triển kinh tế VAC; nuôi thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, nuôi cá trong ruộng lúa; kỹ thuật thâm canh lúa theo phương pháp "3 giảm, 3 tăng", thâm canh lúa lai chất lượng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học…

Bên cạnh đó, Hội còn phát hành Bản tin kinh tế nông thôn, hàng ngàn tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến tận hội viên, làm tài liệu cho các buổi sinh hoạt; giúp hội viên nắm bắt kịp thời các thông tin thị trường, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất… Nhờ đó, thu nhập của hội viên tăng lên rõ rệt. Nếu như cách đây 5 năm, số hộ có thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm trên địa bàn còn khá ít thì đến nay, số hộ làm vườn có lợi nhuận từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên ở địa phương nào cũng có và ngày càng tăng về số lượng.

Nhiều địa phương trước đây không có tập quán trồng rau, nhất là các huyện miền núi, trung du thì sau các đợt dạy nghề, tập huấn, hội viên đã cùng hợp tác thuê đất để trồng rau xanh. Điển hình là Cát Hải (Phù Cát), từ xã đặc biệt khó khăn, nhờ phát triển nghề trồng hành, người dân đã có thu nhập khá, diện mạo nông thôn được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ phong trào cải tạp vườn tạp, trồng rau màu mà người dân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh), làng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), làng rau Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) có đời sống khá giả.

Ngoài ra, HLV tỉnh còn động viên, khuyến khích hội viên đầu tư vốn làm KTTT và đã thành lập một số CLB làm KTTT tại các địa phương, tạo điều kiện cho hội viên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giúp nhau xây dựng và phát triển trang trại. Theo thống kê, toàn tỉnh có 1.000 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tập trung chủ yếu tại các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát...

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, HLV tỉnh Bình Định tiếp tục tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên bằng các hình thức như tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, tổ chức các đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chú trọng quy trình sản xuất theo VietGAP, đồng thời giúp hội viên tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập…

Phú Mỹ

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn