HTX Làng tôi - Tấm lòng của một doanh nghiệp với người dân

HTX Làng tôi - Tấm lòng của một doanh nghiệp với người dân
Thoạt nghe cái tên “Hợp tác xã làng tôi” có cái gì đó thân thương, gần gũi, pha chút tự hào về quê hương. Chúng tôi quyết định về Thạch Môn để được nghe người dân “nói” về “hợp tác xã”, về anh Trần Văn Bình, chủ nhiệm, người đưa ra ý tưởng - người dân Thạch Môn phải làm giàu ngay chính trên mảnh đất của mình. Con đường về xã nay đã có tên Đồng Môn cũng khác xưa, làm tôi liên tưởng về lịch sử vùng đất này.

Từ xa xưa đây là một vùng nước trắng mênh mông, không có đất sản xuất, cả làng nổi lên như một ốc đảo hình quả bầu gáo liền với vùng Cồn Cồ (Thạch Quý). Trải qua hàng trăm năm, mảnh đất này có nhiều đổi thay. Về điều kiện tự nhiên Đồng Môn có những thuận lợi đây là vùng đất rộng, bằng phẳng, xóm làng trù phú, dân cư đông đúc, nhưng cũng nhiều khó khăn do nằm trên một giải đất hẹp, độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt, tầng đất canh tác mỏng, nhiễm phèn nên trong canh tác gặp nhiều khó khăn. Từ khi ổn định dân cư lập xong vườn tược, chăm lo khai phá diện tích đập đìa, cồn hoang, bải cỏ rồi quá trình bồi đắp phù sa, tạo hoá xoay vần, biển dần lùi xa, bờ biển hoá nương dâu, sông sâu, suối rộng dần dần biến thành đồng ruộng,... với cái cách liên tưởng như vậy, thì đến nay xã Đồng Môn xưa, Thạch Môn nay đã ngót nghét hơn 400 năm lập làng, lập xóm. Có lần chúng tôi đã làm phép so sánh, cùng một thời điểm ra đời, cùng chung làng dệt vải Đồng Môn, nhưng nhìn sang Thạch Đồng, người dân có những việc làm “táo bạo” để mang sản phẩm dệt ra tận nước ngoài, còn Thạch Môn vẫn cứ bám lấy mảnh vườn, cây lúa, củ khoai ?...
 
Từ năm 2004, sau khi sáp nhập vào thị xã (thành phố hôm nay), được sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành chức năng, Hội nông dân thành phố, Trung tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, người dân Thạch Môn đã làm một cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp. Và từ một xã nghèo, từ năm 2005, Thạch Môn dần dần xây dựng được một số cơ sở vật chất quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong nông nghiệp, người dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới, bắt đầu từ việc đưa giống lạc mới có năng suất cao như V79, V14, lạc sen, phát huy xen canh gối vụ tăng hệ số sử dụng ruộng đất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích… Người dân đã từng bước chuyển đổi sử đất nông nghiệp sang sản xuất ra sản phẩm dịch vụ hàng hoá, cứ như vậy, người ta biết đến Thạch Môn là nghĩ đến mô hình dưa hấu, hoa ly, rau an toàn v..v… Những người như bác Quang, bác Trình đã thực hiện thành công nhiều mùa vụ, thu nhập cao.

Là người con sinh ra lớn lên trên mảnh đất này, anh Trần Văn Bình cũng như bao thanh niên khác, từng nhập ngũ, rồi kinh doanh, lập ra doanh nghiệp Khánh Môn, anh đã làm giàu cho mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Nhưng rồi anh luôn trăn trở phải làm gì cho người nông dân quê mình giàu lên trên chính mảnh đất của họ. Ý tưởng thành lập một Hợp tác xã rau an toàn của anh được sự động viên của cấp ủy, chính quyền xã và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân. Khi hỏi về anh Bình, người đầu tiên nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi là bác Trần Chí Quyết, Phó bí thư Đảng uỷ xã “anh Bình là một người con của quê hương, tâm huyết với quê hương, có ý tưởng thành lập HTX mô hình rau an toàn, tạo công ăn việc làm cho bà con, nhưng cái quan trọng hơn là anh muốn bà con nông dân biết làm việc theo hình thức tập thể, có lợi ích chung, có tính kiên trì, bền vững, chứ không phải ăn xổi ở thì”. Nghe bác Quyết nói, rồi được bác Sâm, phó chủ nhiệm HTX, bác Tần, xóm trưởng Thanh Tiến hướng dẫn tỉ mỉ, giải thích tên từng loài rau từ bắp cải, xu hào, cà rốt, cải búp, cải cúc, xúp lơ, đông dư,… đến Hoa Ly trong nhà kính, mới thấy hết ý tưởng của anh Bình tuy mới bước đầu nhưng có khá nhiều tín hiệu khả quan.

Khác với những mô hình hiện có trên địa bàn, mô hình rau an toàn được doanh nghiệp đứng ra đầu tư vốn, thuê đất của người dân và chính người dân lại lao động trên đất của mình, vừa có việc làm, vừa có thu nhập lại giữ được đất không bị hoang hoá. Ban đầu, doanh nghiệp bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng bàn bạc, thống nhất với người dân về thuê đất (trong vòng 10 năm,  mỗi năm 2,5 triệu/sào), đầu tư từ điện, nước, giống, phân bón v.v... Hợp tác xã hiện có 7 lao động thường xuyên, chưa tính cán bộ quản lý, vào mùa vụ cao điểm có từ 15 – 20 lao động, bình quân mỗi người thu nhập trên 3.000.000đ/tháng. Nếu làm phép so sánh mức chi tiêu ở vùng nông thôn như vậy là cũng tạm ổn. Nhìn các bác, các chị xã viên thoăn thoắt hái rau, xén, tỉa sạch sẻ, bó buộc gọn gàng để chuẩn bị ra chợ, trên gương mặt ai cũng ánh lên niềm vui. Chị Cát hồ hởi “ôi việc gì chứ việc của chú Bình làm thì khỏi phải nói rồi, tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập, ai mà chẳng đồng tình, phấn khởi”. Bác Sâm chia sẽ “tôi nguyên là cán bộ tài chính Thạch Hà về hưu, lương 5.000.000đ/tháng, không làm thì cũng đủ chi tiêu rồi, nhưng cái quan trọng là mình vì người khác thôi, anh Bình thuộc lớp người đi sau chúng tôi, nhưng lại có cái tâm, có lòng nhiệt huyết, tại sao mình là cha, là chú lại không làm được. Vả lại anh Bình cũng thuộc típ người cần cù, chịu khó, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám thử nghiệp cái mới nên được nhiều người ủng hộ, tin tưởng”. Rồi bác lại kể chuyện tính cẩn thận, khéo tay của anh Bình khi chăm từng cây hoa ly, trời rét, phải chiếu điện để giữ nhiệt độ ấm cho hoa, cây nào bệnh là phải nhổ ngay tránh lây lan,... 
 
Mô hình trồng hoa ly tại HTX Làng tôi
 
Có mặt tại khu vực các loại rau, chứng kiến công đoạn thu hoạch xu hào, cải ngọt, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được việc sản xuất rau an toàn không đơn giản. Đang mùa chính vụ nhưng kích thước xu hào khá “khiêm tốn” vì thời tiết quá lạnh, rau cải cũng không “nuột nà” như người ta bày bán ngoài chợ. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn, có khi nhà sản xuất phải chấp nhận thiệt hại. Khi đem điều này trao đổi, bác Tần, bác Sâm cho biết “Ban chủ nhiệm Hợp tác xã thống nhất ưu tiên hàng đầu sản phẩm rau an toàn là chủ yếu dùng phân hữu cơ ủ và phân vi sinh, hạn chế đến mức thập nhấp việc sử dụng thuốc hoá học. Giai đoạn giữa và cuối vụ, nếu có nhiều sâu bệnh thì chỉ sử dụng loại thuốc sinh học và luôn đảm bảo thời gian cách ly trên mức quy định. Trong sản xuất phải biết đảm bảo vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, làm đến đâu, dọn sạch đến đó”. Quả không sai chút nào khi đứng ngắm những luống rau, rồi vào nhà kính nhìn nụ hoa ly chúm chím, tất cả thẳng tắp gọn gàng, sạch sẽ, chúng tôi không khỏi khâm phục đức tính cần mẫn của những con người nơi đây đã biến 20 ha đất xấu, khó canh tác thành cánh đồng xanh tươi. Cũng theo bác Sâm thì nếu thời tiết thuận lợi, hoa ly nở đúng vào dịp tết, thì vụ mùa này, sau khi trừ chi phí, thu về khoảng 500 triệu đồng. Trong tương lai, nếu thành công, Hợp tác xã sé tính đến chuyện ký hợp đồng tiêu thụ các chủng loại rau hàng ngày, hàng tuần. Như vậy, người dân thành phố sẽ có thêm những sản phẩm rau an toàn cho mỗi bữa ăn. Và biết đâu một ngày nào đó, sản phẩm mang thương hiệu RAT làng tôi có mặt trên thị trường, được đóng gói, niêm phong và dán tem mã vạch theo thương hiệu đã đăng ký bản quyền.

Chia tay bác Tần, bác Sâm, chị Cát, và đang nợ cái hẹn của anh Bình, theo bác Quyết, chúng tôi làm một vòng sang các thôn khác. Thạch Môn đã có một diện mạo mới, những con đường bê tông thẳng tắp, những cánh đồng phẳng, phủ một màu xanh tươi đầy sức sống. Hy vọng, Thạch Môn sẽ có thêm những con người như chúng tôi đã gặp - những con người biết “biến sỏi đá thành cơm”…
Theo hatinhcity.gov.vn