Hà Tĩnh: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển

Hà Tĩnh: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển
Sau gần một năm triển khai, dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" đã thu được những kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng ven biển Hà Tĩnh, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành nông nghiệp an toàn, gắn với thị trường và xuất khẩu.


Tín hiệu vui từ một dự án

 

 

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách chăm các loại cây trồng  (Ảnh: KL)

Năm 2013, sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật từ những trang trại trồng các loại rau, củ, quả trên vùng đất cát tại Dongshan (Trung Quốc), Tổng Công ty Khoán sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh phối hợp với Công ty TNHH Finepon (Hồng Kông) xây dựng dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh". Dự án được xây dựng và triển khai theo các kỹ thuật và công nghệ cao của Dongshan và bước đầu được thực hiện trên diện tích 12 ha của vùng cát hoang hóa ở xóm Tân Văn, xã Thạch Văn. Măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang , củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi Israel là những loại rau, củ, quả được chọn trồng thử nghiệm tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà).

 

 

Đến nay, các loại rau, củ, quả được lựa chọn trồng thử nghiệm đều phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt có một số loại rau củ cho năng suất rất cao như củ cải trắng đạt từ 20 -22 tấn/ha, cà rốt đạt 8 -10 tấn/ha, cà chua 10 -12 tấn/ha... Các sản phẩm sau thu hoạch được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ trung tâm cũng như tại các khu công nghiệp, siêu thị của Hà Tĩnh. Ngoài ra, các sản phẩm còn được chuyển ra các thị trường Nghệ An và Hà Nội... mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập trung bình đạt từ 100 - 200 triệu/ha.

 

Là một trong những đơn vị tham gia xây dựng và thực hiện dự án, ông Dương Tất Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù được áp dụng theo công nghệ cao Dongshan, song phương pháp trồng rau sạch trên cát bạc màu ở Hà Tĩnh được thực hiện theo mô hình mới, nguồn nước tưới cho rau luôn được đảm bảo với những hồ nước nhân tạo có lượng dự trữ từ 5.000 - 10.000 m3 và được tưới bằng hệ thống phun mưa bán tự động - một phương pháp hiện đại vừa giúp tiết kiệm nước tưới, vừa hạn chế cây trồng ngã đổ. Phân vi sinh sử dụng chăm sóc cây trồng được tái chế từ rác thải ở Nhà máy rác Cẩm Xuyên. Các loại giống rau, củ, quả đều được kiểm tra chặt chẽ trước khi trồng để đảm bảo an toàn giúp cây trồng phát triển nhanh, khoảng 60 - 70 ngày đã có thu hoạch... Sau gần một năm triển khai, dự án đã được triển khai trên địa bản 7 huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh gồm Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ và Vũ Quang với tổng diện tích lên đến 160 ha. Dự kiến, trong năm 2014, Hà Tĩnh sẽ mở rộng diện tích rau, củ, quả lên 215,2 ha, kể cả trồng tại một số vùng bãi bồi của các địa phương miền núi.

 

Thành công bước đầu của dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" không chỉ có tác động biến những vùng cát trắng ven biển thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo được nguồn sản phẩm sạch cho thị trường, giải quyết công ăn việc làm cho người dân vùng biển mà còn khẳng định được hiệu quả từ phương thức sản xuất mới dựa trên các giải pháp khoa học - công nghệ hiện đại. Đây cũng là một bước đột phá, một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng ven biển Hà Tĩnh nói riêng cũng như tạo cơ sở và động lực để từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh nói chung thoát khỏi kiểu sản xuất truyền thống, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa hiện đại, an toàn và bền vững.

 

Mô hình kinh tế hiệu quả cần nhân rộng

 

Trong nhiều năm qua, việc trồng các loại rau, củ, quả tại Hà Tĩnh nói chung cũng như tại các vùng ven biển gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Thế nhưng, kể từ khi tỉnh Hà Tĩnh triển khai dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" đã biến dải cát vùng ven biển Hà Tĩnh trở thành những cánh đồng rau, củ, quả xanh tốt, cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ha, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng ven biển.

 

Xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) là một trong những địa phương đầu tiên được chọn trồng thí điểm các loại rau, củ, quả của dự án. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm triển khai, toàn bộ diện tích dải cát trắng hoang hóa ven biển xã Thạch Văn đã được bao phủ một màu xanh mướt của những cánh đồng rau, củ, quả. Ông Nguyễn Khắc Dong - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn phấn khởi cho biết, từ khi dự án trồng rau sạch trên cát được đưa vào thực hiện, bước đầu đã có những khởi sắc, tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình ở đây, đồng thời cũng tăng thu nhập cho người dân. Với những kết quả bước đầu đạt được, dự án này hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, là động lực giúp chính quyền và nhân dân xã Thạch Văn phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2015 sắp tới.

 

 

Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy hoạch sản xuất rau, củ, 
quả trên đất cát ven biển đến năm 2020 (Ảnh: baohatinh.vn)

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quang Tuấn, Trưởng Ban quản lý dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" cho biết: Sau bao công sức tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm, đến nay, dự án trồng rau xanh tại vùng cát hoang hóa ven biển đã thành công ngoài sức mong đợi. Hàng chục tấn rau, củ, quả sạch đã được thu hoạch, bán cho các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Vùng cát Thạch Văn nói riêng và các xã ven biển Hà Tĩnh sẽ thực sự "thay da đổi thịt" trở thành những vùng đất trù phú cho các loại rau xanh phát triển...

Đánh giá về hiệu quả của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho rằng: “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh" là một mô hình kinh tế quan trọng cần được nhân rộng để giải quyết công ăn việc làm, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa phương của Hà Tĩnh.

Nhằm hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này, tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định tạm thời về một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao. Theo đó, ngân sách của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 100% kinh phí giống, phân bón, đào tạo, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ từ 50 - 80% kinh phí đầu tư san lấp mặt bằng lần đầu, đào hố, đào giếng chứa nước tưới, kênh tưới tiêu, bơm nước và hệ thống ống tưới; hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị trực tiếp thu mua, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm...

Thực hiện chủ trương mở rộng quy mô dự án trồng rau, củ, quả trên cát của tỉnh, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành và công bố Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ quả trên đất cát ven biển đến năm 2020. Quy hoạch này nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lực xã hội để phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng chuyên canh có năng suất, chất lượng tốt để cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Theo phê duyệt, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 hình thành các vùng sản xuất rau, củ, quả, ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684,1ha (trong đó 275,8ha diện tích sản xuất ổn định và 426,3 ha diện tích sản xuất tạm thời) thuộc địa bàn 13 xã của 4 huyện với sản lượng đạt 23 ngàn tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 230 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 6 triệu USD/năm; giải quyết việc làm cho 12 ngàn lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh hình thành mạng lưới kênh tiêu thụ ổn định, xây dựng và khẳng định thương hiệu "Rau tươi sạch Hà Tĩnh", bảo đảm số lượng - chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hướng đến xuất khẩu 50% sản lượng...

Để hoàn thành tốt mục tiêu theo Quy hoạch đề ra, tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức trong sản xuất cho các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác chỉ đạo và quản lý quy hoạch; khẩn trương thực hiện quản lý sử dụng đất, giao đất, cho thuê nhằm đất nhằm đảm bảo đúng quy định, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thỏa đáng cho phát triển sản xuất trên cơ sở gắn với chính sách tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến nông và đào tạo nguồn nhân lực; lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và tăng cường liên kết trong sản xuất; quan tâm đặc biệt đến xúc tiền thương mại, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm...

 

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (đứng giữa) kiểm tra chất lượng 
cây trồng tại vùng cát ven biển xã Thạch Văn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này, tổng diện tích đất của các địa phương, doanh nghiệp đăng ký sản xuất rau, củ, quả đạt 211 ha. Các địa phương đã thành lập được 3 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác để việc triển khai mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả được thuận lợi, kịp tiến độ.

Hy vọng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng như các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện, dự án trồng rau, củ, quả trên cát của tỉnh Hà Tĩnh sẽ gặt hái được nhiều thành công to lớn hơn nữa, khẳng định sự thành công của một hướng đi trong phát triển kinh tế bền vững vùng ven biển nói riêng cũng như của toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung; phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những thị trường cung cấp các loại rau, củ, quả sạch, chất lượng tốt cho nhiều địa phương trên cả nước./.

Khánh Lan
Theo dangcongsan.vn