Hà Tĩnh: Sáng kiến xử lý rác sinh hoạt từ một xã miền núi
- Thứ bảy - 21/10/2017 04:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chỉ cần bỏ ra từ 3 - 4 trăm ngàn đồng, người dân có thể xây được một lò đốt rác rất tiện dụng cho gia đình. |
Xã Kỳ Thượng là một xã miền núi khó khăn thuộc vùng sâu của huyện Kỳ Anh, tuy nhiên bằng những nội lực và sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
Một trong các tiêu chí đang được triển khai đồng bộ tại xã Kỳ Thượng, thì tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí thực hiện rất thành công trở thành một mô hình để các địa phương khác học tập. Đó là, xây dựng lò đốt rác vệ sinh tại các hộ gia đình.
Chị Nguyễn Thị Bình, thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng chia sẻ: “Trước đây rác thải sinh hoạt người dân thường vứt khắp nương vườn, hoặc đào hố chôn rất bẩn còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ khi xã triển khai mô mình lò xử lý rác thải sinh hoạt đến từng gia đình, từng cụm dân cư thì rác hầu như không còn. Thay vào đó khi phân loại rác để đốt chúng tôi còn tận dụng được mùn để bón cây rất thuận tiện. Hơn nữa để xây dựng lò đốt rác gia đình cũng không tốn kém, chỉ cần bỏ ra 3 - 4 trăm ngàn đồng mua vật liệu, sau đó tự xây nên gia đình nào cũng có thể xây đươc…”.
Ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng trao đổi với PV Infonet. |
Ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: “Song song với việc triển khai dự án bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu, từng bước cải thiện tình trạng vệ sinh nước sạch theo cụm gia đình, vấn đề thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại khu dân cư. Từ năm 2016 đến nay xã Kỳ Thượng đã triển khai thí điểm mô hình lò xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình của đầu tiên tại thôn Phúc Môn. Sau một thời giần tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình lò xử lý rác thác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, cụm dân cư, đến nay xã Kỳ Thượng đã xây dựng được 1104 lò đốt rác từ các hộ, cụm dân cư của 12/12 thôn.
Việc triển khai mô hình lò đốt rác tại các hộ gia đình đã đưa lại hiệu quả vì người dân thấy được của việc sử dụng lò đốt rác đưa lại lợi ích, sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường nên hầu hết được người dân hưởng ứng và tích cực và tự nhân rộng. Không những vậy, việc thực hiện mô hình này không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà nó còn làm sạch các tuyến đường làng, ngõ xóm, đảm bảo cho sức khỏe đối với đời sống của người dân”.
Sau hơn một năm triển khai, tính đến nay, xã Kỳ Thượng đã có 1104 lò đốt rác tại các hộ gia đình. |
Tùy theo mỗi gia đình xây dựng, nhưng hầu hết các lò đốt rác tại gia đình, có giá từ 3 – 4 trăm ngàn đồng. Lò được xây rộng từ 1 đến 1,2 m, cao từ 1,2 - 1,5m, có hai ngăn, một cửa lấy tro rộng khoảng 30cm, có mái lợp để tránh mưa. Việc xây dựng lò đốt giác thải to hay nhỏ tùy thuộc vào lượng rác đốt của gia đình hoặc một cụm hộ gia đình ở trong thôn xóm. Khi đã phân loại rác thải kỹ lưỡng, nên đổ vào chỉ trong vòng 15 – 20 phút rác thải sẽ cháy hết.
Thông thường người dân xây lò chọn vị trí ở góc vườn, cuối chiều gió nên không ảnh hưởng đến không khí trong nhà và hàng xóm.
“Sau khi mô hình này được triển khai rộng khắp trong toàn xã, các hộ, cụm dân cư không còn phải đào hố chôn lấp rác như trước đây mà còn tận dụng được tro để làm phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng. Không những vậy với mô hình này xã đã xử lý có hiệu quả rác thải sinh hoạt phát sinh, góp phần nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân được người dân nhân rộng”, ông Tiến cho biết thêm.
Có thể nói, mô hình lò đốt rác tại các hộ, khu dân cư được triển khai tại xã nghèo miền núi Kỳ Thượng là một mô hình đáng được học tập và nhân rông nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải đang tràn ngập trong các khu dân cư như hiện nay.
Theo Đặng Sơn/ìnonet.vn