“Hái” bạc triệu từ trám!

“Hái” bạc triệu từ trám!
Trám là giống cây được người dân Thanh Chương trồng và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Hầu hết trong vườn nhà của nhân dân các xã Thanh Nho, Thanh Hòa, Cát Văn…đều có ít nhất 3 -4 cây. Quả trám thu được dùng để chế biến một số món ăn truyền thống của địa phương. Mấy năm qua, giá quả trám tăng cao, mỗi cây trám giúp người dân “hái” bạc triệu một mùa.
Bây giờ, cây trám đã thành cây “mũi nhọn” ở nhiều xã thuộc huyện Thanh Chương. Nhưng trước khi trở thành cây “hái” ra tiền, lâu nay trám vẫn được xem như loài cây trồng truyền thống, đến mùa hái quả muối làm thức ăn hoặc luộc chấm với lạc vừng. Trên mảnh đất Thanh Chương gió Lào thổi rạc bờ tre, trám vẫn bám chặt đất khô cằn nứt nẻ, bền bỉ vươn mình, mang đến cho đời vị ngọt bùi đặc trưng khó tả. Ấy vậy mà, có một dạo, cây trám mất dần chỗ đứng, không cạnh tranh được với các giống cây lấy quả khác.



             Chị Đậu Thị Tuyết ở xóm 5, xã Thanh Nho đang chăm sóc cây trám.

Mấy năm gần đây, cái vị ngọt bùi của quả trám chắt lọc tinh túy của đất cằn Thanh Chương lan xa, nức tiếng cả nước. Thương lái khắp nơi đổ về mua trám. Lẽ dĩ nhiên giá cả càng ngày càng tăng cao, bán 30.000 đồng/kg quả đầu vụ, cuối vụ có khi lên hơn 40.000 đồng/kg. Nhà nào còn giữ được trám trong vườn bỗng dưng “hái” được bạc triệu mỗi mùa. Chị Đậu Thị Tuyết ở xóm 5, xã Thanh Nho cho biết: Quả trám loại to chừng 80 quả/kg, loại nhỏ 120 quả/kg. Tính ra mỗi cây được 6 yến quả cho thu nhập khoảng 1,8 triệu. Mùa vừa rồi gia đình tôi thu được 8 triệu đồng từ trám”. So sánh hiệu quả kinh tế của cây trám hơn hẳn trồng cam, gia đình chị Tuyết đã quyết định trồng 18 cây trám thay thế vào diện tích trồng cam. Nhờ vậy, trám bắt đầu hồi sinh trên đất đồi Thanh Chương. Riêng ở xã Thanh Nho, từ năm 2010 đến nay, khoảng 1.000 cây trám được trồng mới, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Cảnh Giao, năm 2012 trồng 300 gốc trám ở trang trại của mình.

Trước hiệu quả kinh tế của cây trám, huyện Thanh Chương đang xúc tiến các bước nhân rộng diện tích trồng trám trên diện tích 3.000 ha đất vườn và các diện tích đất đồi có độ dốc vừa phải với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Rau quả và Sở Khoa học Công nghệ. Dựa vào đặc tính sinh sản của cây trám là chỉ có cây trám cái mới cho quả còn cây trám đực không cho quả, năm 2010, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn những cây trám ngon của địa phương về nhân giống được 2000 cây cung cấp cho nhân dân. Bước sang năm 2011, Sở Khoa học Công nghệ đã giúp Thanh Chương mở vườn ươm nhân giống tại chỗ trên địa bàn huyện. 

Hiện nay, một cây trám giống được bán tại vườn giống của Hội Làm vườn Thanh Chương có giá 30.000 đồng. Chuyện nông dân Thanh Chương “hái” bạc triệu từ trám trong mấy năm qua không còn lạ và qua hiệu quả kinh tế thấy khấp khởi mừng cho quê nghèo. Tuy, trong quá trình thu thập tư liệu cho bài viết, tôi mới hay còn có nhiều vấn đề đặt ra để phát triển cây trám. Thứ nhất, nông dân còn nhiều thiệt thòi do việc tiêu thu trám còn qua quá nhiều “nút thắt”. “Thương lái thu mua trám rồi về nhập cho mối trung gian. Họ thu gom số lượng lớn sau đó chuyển đi cho các đầu mối thu mua cả nước. Nói chung, trước khi đến điểm tiêu thụ cuối cùng, quả trám phải đi qua 3-4 khâu trung gian. Như vậy, trong khi người tiêu dùng đang phải mua sản phẩm với giá cao thì hiệu quả kinh tế thu được của người nông dân trồng trám vẫn chưa thực sự xứng đáng.  

Thứ nữa, huyện Thanh Chương đang thực hiện mở rộng diện tích trồng trám gấp nhiều lần so với hiện nay. Chỉ trong vài năm tới, với hàng ngàn cây trám cho thu hoạch, khối lượng sản phẩm sẽ rất lớn. Vấn đề đặt ra là, lúc ấy giá trị quả trám được nâng cao, hay thậm chí được như thời điểm hiện tại hay không? Bởi, ngành nông nghiệp nước ta đã có những bài học nhãn tiền đắt giá khi phát triển vùng nguyên liệu ồ ạt nhưng lại lơ là giải quyết đầu ra. Không đâu xa, ngay ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, mận tam hoa, gừng khi được đưa vào trồng từng hy vọng mang lại thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo cho nhân dân nơi đây. Nhưng chỉ sau một thời gian phát triển quá nóng, sản phẩm không tìm được nơi tiêu thụ dẫn đến giá rớt thê thảm. Lúc này, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.

Thiết nghĩ, việc Thanh Chương cần làm ngay lúc này là nâng cao giá trị sản xuất trên những diện tích trám đã cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cần có phương án phát triển nguồn nguyên liệu phù hợp nhu cầu thị trường, không làm theo cảm tính, đi đôi với đó là tìm các doanh nghiệp thực sự tha thiết với trám về địa phương thu mua, bao tiêu sản phẩm, thậm chí chế biến trám thành sản phẩm thực phẩm. Có như vậy, về lâu dài mới hy vọng đầu ra của trám sẽ ổn định, điệp khúc “được mùa, mất giá” không xảy ra. Người dân sẽ thực sự “hái” bạc triệu từ trám một cách ổn định.


“Vị trám chua chát đắng ngọt, không nóng không lạnh, không độc, có tác dụng mát phế mát phổi, lợi yết hầu, giải say rượu và giải được các thể độc nhẹ. Đặc biệt dân gian có mẹo dùng trám để chữa hóc xương cá, cụ thể là sắc 5 quả trám lấy nước cho ngậm rồi nuốt dần. Gia đình tôi vốn gốc Thanh Chương nên từ bao đời nay luôn xem trám vừa là món ăn ngon, vừa là vị thuốc quý. Tuy xa quê lâu nhưng hàng năm gần đến mùa trám đều đặt trước vài yến trám ngon nhất, để dùng dần cho đến mùa trám năm sau”, Lương y Nguyễn Hà Giao, Công ty Đông Nam Dược Thượng Thọ Đường, khối 8 Hà Huy Tập, Tp.Vinh cho biết.
 
Thành Duy 
theo baonghean