Hiệu quả dự án trồng rừng phòng hộ
- Thứ sáu - 22/02/2013 20:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm làm giảm các tác hại do bão lũ gây ra, được sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (CTÐ - TLLÐ) quốc tế, ngay từ đầu năm 2012, dự án trồng rừng ngập mặn - giảm rủi ro thảm họa được triển khai tại 124 xã, 47 huyện, thị xã của mười tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng kinh phí được phê duyệt và sử dụng gần 8,4 tỷ đồng. Các hoạt động của dự án tập trung nâng cao năng lực cho cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó thảm họa thông qua các lớp tập huấn, thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, thành lập các đội ứng phó cộng đồng, diễn tập ứng phó với thảm họa, tập huấn nâng cao kiến thức phòng ngừa thảm họa cho giáo viên và học sinh tiểu học, đồng thời tập trung trồng rừng ngập mặn tại bốn xã, trồng rừng đầu nguồn và cây chắn gió tại ba xã và thực hiện 35 tiểu dự án với các công trình làm hệ thống dẫn nước, bể nước, đường, cầu, cống... Ðến nay, có khoảng 618.245 người hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ các hoạt động của dự án này.
Ðể tìm hiểu hiệu quả tích cực từ dự án, chúng tôi về xã Mãn Ðức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) và được các đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Trước kia, khu đồi rừng này được giao cho một đơn vị lâm trường quản lý, nhưng do đầu tư không hiệu quả, mỗi khi có lũ là cả khu này bị ngập, cây cối, hoa màu bị phá hỏng; vào mùa khô hạn hán nghiêm trọng. Ðể cải thiện đời sống cho người dân, năm 1980-1981, xã Mãn Ðức đã tổ chức đào hồ chứa nước Bông Canh và xây đập tràn, đồng thời phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tập huấn, giao rừng cho các hộ dân tự quản lý. Từ khi có hồ chứa nước, người dân trong xã và nhất là hai xóm ở gần hồ Ðầm, Ðịnh không còn lo việc chạy lũ, khi hạn hán có đủ nước cấy hai vụ, đời sống dần dần được nâng lên. Hồ Bông Canh đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 27,31%, thu nhập bình quân năm 2011 đạt 12 triệu đồng/người/năm.
Thanh Hối là xã miền núi thuộc huyện Tân Lạc, có diện tích tự nhiên là 2.611 ha, trong đó có hơn 1.000 ha đồi núi, diện tích trồng lúa màu chỉ chiếm 800 ha. Cả xã có bảy nghìn dân, chủ yếu là đồng bào Mường sinh sống tại 19 xóm. Trước đây, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn vì chỉ trồng được một vụ lúa, còn lại phụ thuộc chủ yếu vào cây rừng và đi làm thuê, gặp những năm thiên tai bất thường là bị đói. Ðiển hình là trận bão số 5 năm 2010, lũ tràn về xóa toàn bộ hoa màu. Dẫn chúng tôi ra thăm công trình hồ Tam, tại xóm Tam, xã Thanh Hối, đồng chí Bùi Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã Thanh Hối phấn khởi nói: Là vùng thường xuyên bị hạn, hằng năm xã đều có chủ trương cho tu sửa các công trình thủy lợi, các tuyến kênh mương nội đồng, nhưng cũng không khắc phục được tình trạng hạn, thiếu nước tưới chăm sóc các diện tích cây màu. Công trình hồ Tam được xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, với tổng giá trị đầu tư là 30 tỷ đồng, cung cấp nước tưới cho hơn 250 ha của 14 xóm trong xã.
Chúng tôi gặp ông Bùi Văn Thại và chị Bùi Thị Thình ở xóm 1, xã Thanh Hối, là những hộ gia đình được chọn giao khoán trồng, bảo vệ hai ha rừng đầu nguồn của hồ Tam khi họ đang khẩn trương nhổ cỏ, phát những cây hoang mọc quanh khu rừng keo mới trồng, nhằm để cây có đủ ánh sáng phát triển nhanh. Ông Thại cho biết: Trước kia, các hộ gia đình trong xóm nghèo lắm, ngoài trồng lúa, thì cây lương thực chủ yếu là mía và bí. Nhưng do không có đủ nước tưới tiêu nên bà con chỉ làm được một vụ, còn lại là đi làm thuê, làm mướn... cuộc sống bấp bênh, bữa đói, bữa no. Từ khi có hồ chứa nước, lại được các lãnh đạo xã quan tâm phối hợp Hội Chữ thập đỏ xã, Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh cử cán bộ về hướng dẫn bà con cách trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là 400 ha rừng nguyên sinh bên trên lòng hồ, ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn của người dân trong xã được nâng lên, tỷ lệ cây rừng phòng hộ, rừng ngập mặn sống hơn 90%.
Ðủ nước sinh hoạt, tưới tiêu, không lo bị lũ quét, đời sống của người dân nơi đây ngày càng cải thiện. Nhiều hộ gia đình biết trồng xen canh các loại cây bản địa với cây rừng để không những có cây bảo vệ đầu nguồn mà còn có cây cho thu hoạch sớm. Ðời sống được nâng lên, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm đi đáng kể, người dân biết chăm lo đến con cái nhiều hơn, vì vậy tỷ lệ các em học sinh trong xã thi đỗ đại học cũng nâng lên. Ðó là những điều làm cho các đồng chí cán bộ xã Thanh Hối phấn chấn và vui vẻ khi nói chuyện với chúng tôi.
Theo nhandan.org.vn