Hiệu quả mô hình “tổ thuyền an ninh xã hội”

Cách trung tâm TP Thanh Hóa 25km về phía Đông Bắc, tuyến biển của huyện Hậu Lộc dài 17,5km bao gồm 6 xã mép nước là: Ngư Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc và Hòa Lộc với gần 1.000 phương tiện tàu, thuyền.
Mô hình “tổ thuyền an ninh xã hội” hoạt động hiệu quả.
Người dân ở đây đã bao đời gắn với nghề đánh bắt trên biển và nuôi trồng hải sản. Nghề đi biển vốn đã khó khăn, khắc nghiệt và càng khắc nghiệt hơn khi trước đây đã có những tháng ngày không yên bình. Đôi khi chỉ là va chạm nhỏ, chuyện trộm vặt, lớn hơn là trộm cắp ngư lưới cụ tối quan trọng cho những chuyến ra khơi rồi xô xát trở thành chuyện lớn và cả chuyện ngư dân của ta bị tầu nước ngoài uy hiếp.

Đặc biệt, nhiều khi vì mạnh ai nấy làm và giấu nhau địa điểm đánh bắt nên khi gặp những trận bão táp, cuồng phong trên biển mà không được báo trước, không thể liên lạc các tàu khác đến kịp ứng cứu đã lấy đi không ít mạng sống của những người đàn ông trên biển, để lại đất liền là những “xóm vọng phu” với những người đàn bà góa phụ và những đứa trẻ mồ côi bơ vơ…

Xuất phát từ đặc thù sinh sống của bà con nơi đây và trăn trở trước những phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) trên biển, năm 2009 đến nay Công an huyện Hậu Lộc đã tham mưu cho chính quyền huyện chỉ đạo các xã ven biển triển khai xây dựng mô hình "tổ thuyền an ninh xã hội". Mục tiêu của mô hình này là tăng cường sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động nghề đi biển, đồng thời góp phần giữ gìn ANTT và bảo vệ chủ quyền trên biển. Với những tàu đánh bắt xa bờ hoạt động dài ngày trên biển thì mỗi tàu có một tổ do thuyền trưởng làm tổ trưởng. Những tàu đánh bắt gần bờ thì tổ chức 10 đến 15 tàu thành một tổ đặt dưới sự chỉ đạo của chi ủy, điều hành của trưởng thôn, hướng dẫn nghiệp vụ của Đồn Biên phòng và Trưởng Công an xã.

Hoạt động chủ yếu của các tổ thuyền an ninh xã hội là tuyên truyền, vận động các thuyền viên chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước của thôn, các quy định về hoạt động trên biển; thực hiện khẩu hiệu "5 không trên biển" (không tham gia buôn bán hàng lậu, hàng cấm; không tàng trữ, sử dụng chất nổ và các loại xung kích điện để đánh bắt hải sản; không vi phạm lãnh hải; không tiếp xúc, trao đổi với tàu thuyền nước ngoài trái quy định; không gây gổ, đánh nhau, trộm cắp ngư lưới cụ, gây mất trật tự trên biển). Xây dựng tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn, tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, tham gia công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản...

Hàng tháng, tổ trưởng chủ trì họp với các tổ viên và báo cáo với trưởng thôn, Trưởng Công an xã, Đồn Biên phòng về tình hình hoạt động của các tổ viên trên biển. Mỗi tháng, thôn tổ chức giao ban với tổ thuyền an ninh xã hội 1 lần để nghe báo cáo kết quả hoạt động, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong nhân dân….

Với cách làm này, đến nay toàn huyện Hậu Lộc đã thành lập gần 400 tổ thuyền an ninh xã hội, riêng xã Ngư Lộc có 127 tổ. Cùng nhau sống và làm việc với ý thức trách nhiệm cao, dựa trên những nội qui, tiêu chí mà ban chỉ đạo cùng ngư dân đã thống nhất đề ra nên hơn lúc nào bà con giờ đây gắn kết với nhau thành một khối, yêu thương đùm bọc nhau trong những tháng ngày lênh đên trên biển. Các tổ thuyền cùng cam kết thi đua bảo đảm ANTT, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không tiếp xúc trái phép với tàu, thuyền nước ngoài để mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, nhất là pháo nổ; giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn trên biển...

Việc triển khai xây dựng mô hình “tổ thuyền an xã hội” trên biển đã tạo một bầu không khí mới trong lao động, giúp bà con hăng say ra khơi, bám biển góp phần giữ vững sự bình yên của vùng biển quê hương.
Theo thanhtra.com.vn