Hiệu quả mô hình trồng cà gai leo ở Quảng Thành (Hải Hà, Quảng Ninh)

Mô hình trồng cây cà gai leo của gia đình ông Phạm Đức Mạnh, thôn Hải An, xã Quảng Thành (Hải Hà) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây cà gai leo của gia đình ông Phạm Đức Mạnh, thôn Hải An, xã Quảng Thành (Hải Hà) cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Phạm Đức Mạnh là một trong những hộ dân đầu tiên của thôn Hải An, xã Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây cà gai leo xen canh với các loại cây ăn quả khác. Sau hơn 1 năm trồng, cà gai leo phát triển, sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công của mô hình mở ra hướng đi mới giúp bà con tiếp tục nhân rộng cây trồng này, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững...
 
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Đức Mạnh vào đúng lúc ông và gia đình đang bận rộn với công việc đóng bầu chuẩn bị ươm trồng giống cà gai leo mới. Nhìn quanh khu đất đồi được phủ một màu xanh ngắt bởi cây cà gai leo ít ai biết rằng khu đất này thời gian trước đã từng là bãi đất hoang, cỏ dại um tùm.

Ông Mạnh cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng cây ngô, lạc ở khu đồi này, do giá trị kinh tế thấp nên tôi không mặn mà đến việc cải tạo đất đai khiến chúng bị bạc màu, cằn cỗi, bỏ hoang... Tiếc đất, tôi đã đi Tiên Yên, Ba Chẽ học hỏi các mô hình VAC. Sau nhiều chuyến đi, đúc kết kinh nghiệm thấy cây cà gai leo được một số địa phương trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nên tháng 3-2015, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư hơn 600 triệu trồng 2ha cây cà gai leo. Sau hơn 1 năm trồng thử, cây cà gai leo phát triển rất tốt, đã cho thu hoạch 1 vụ thu được 2 tấn cà gai leo khô.

Cây cà gai leo dùng để nấu nước uống chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu, giải độc gan nên được nhiều người ưa chuộng. So với trồng ngô, lạc… thì trồng cà gai leo cho thu nhập gấp từ 2 đến 3 lần, cây dễ trồng và chăm sóc đơn giản. Thời gian gieo, trồng thường vào tháng 2-3 âm lịch. Có 2 cách trồng cà gai leo: Ươm hạt hoặc giâm cành. Quá trình chăm sóc cho đến lúc thu hoạch chủ yếu bón phân chuồng, tưới nước và làm cỏ là chính. 1 năm, cà gai leo cho thu hoạch 2 vụ. Khi thu hoạch cắt lấy phần thân cây và để chìa lại khoảng 5 - 10cm cho cây tiếp tục sinh trưởng tiếp. Đặc biệt, cây cà gai leo có thể trồng tới 3 năm mới phải dỡ đi trồng lại.

Hiện cây cà gai leo được các thương lái ở Hà Nội về tận ruộng mua với giá trung bình 80.000 đồng/kg tươi và 200.000 đồng/kg khô. Sau vụ thu hoạch đầu tiên trừ mọi chi phí, gia đình ông Mạnh thu lãi gần 300 triệu đồng. Hiện gia đình ông và một số hộ trong xóm đang tiếp tục mở rộng trồng cây cà gai leo thêm 4ha nữa.

Đánh giá về mô hình này, đồng chí Hoàng Phi Trường, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, nhận xét: Trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Quảng Thành xác định sẽ quy hoạch 3 vùng chính: Trồng cây có múi (cam, bưởi), trồng cây dược liệu và trồng lúa chất lượng cao. Việc phát triển cây cà gai leo ở thôn Hải An không chỉ nằm trong vùng quy hoạch cây dược liệu của địa phương, mà nó còn mở ra hướng đi mới, giúp nông dân đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập. Thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo, khuyến khích các hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo để sớm xây dựng được vùng sản xuất dược liệu tập trung.

 Phạm Tăng

Nguồn: Báo Quảng Ninh