Hiệu quả phát triển kinh tế trang trại ở xã Hải Long

Hiệu quả phát triển kinh tế trang trại ở xã Hải Long
Diện tích đất tự nhiên hơn 2.000 ha, nhưng chỉ có gần 200 ha đất nông nghiệp, còn lại chủ yếu là đồi núi đất đá, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi, vì vậy, những năm gần đây, chính quyền và nhân dân xã Hải Long xác định, muốn kinh tế phát triển nhanh, bền vững thì phải tăng cường chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển kinh tế trang trại, trong đó tập trung mở rộng diện tích trồng mía, trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Theo đó, chính quyền xã đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng chuyển diện tích đồi núi trọc trên nền đất xám bạc màu gieo trồng các loại cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng mía. Đấu mối với Công ty CP Mía đường Nông Cống phân vùng, quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hỗ trợ giống, phân bón... tạo điều kiện cho bà con yên tâm đầu tư trồng mía, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động bà con nhân dân đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các vùng núi cao như: keo giấy, bạch đàn...; tận dụng nguyên liệu mía để chăn nuôi bò, dê và đào ao thả cá, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời xã cũng đã chuyển một phần diện tích sản xuất 2 vụ lúa năng suất thấp, bấp bênh sang nuôi cá nước ngọt kết hợp cấy lúa và phát triển chăn nuôi. Ở vùng sâu trũng cấy lúa không chắc ăn, xã đã chuyển 40% diện tích dành nuôi cá, 60% diện tích kết hợp cấy lúa một vụ + nuôi cá và giao cho các hộ thầu, nhằm khai thác tối đa lợi thế của cây trồng, vật nuôi... Với những giải pháp thiết thực và hiệu quả, đến nay, xã Hải Long đã trồng được hơn 400 ha mía, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha. Toàn xã có 120 trang trại tổng hợp có quy mô từ 7 đến 15 ha, trong đó có hơn 40 trang trại đạt và vượt mức thu nhập 50 triệu đồng/năm, là một trong những xã dẫn đầu huyện Như Thanh về phát triển kinh tế trang trại.
Gia đình bà Vũ Thị Thư, ở thôn Vĩnh Lợi là một trong những điển hình của xã về phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Sau 5 năm đầu tư lớn, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, trang trại của gia đình bà Thư có trên 8 ha mía đường, trên 20 ha ao đầm nuôi cá, hàng chục con trâu, bò. Gần đây, gia đình bà còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới trên 30 ha rừng. Hàng năm, trừ chi phí gia đình bà Thư có nguồn thu trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động thời vụ và 8 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, chương trình chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế trang trại ở xã Hải Long đã tạo điều kiện để các hộ nông dân vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Từ chỗ đất trống đồi núi trọc, rừng lúp xúp và lau lách bạt ngàn, đến nay đã trở thành những rừng cây, những đồi mía, đồi cao su hoặc cây ăn quả xanh tốt... cho thu nhập cao, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều công trình giao thông, trường học được xây dựng trên cơ sở nguồn vốn nhân dân đóng góp và ngân sách, góp phần đưa bộ mặt nông thôn miền núi Hải Long ngày thêm khởi sắc. 10/10 thôn của xã đã xây dựng làng văn hóa, 4 làng được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn được chính quyền và toàn thể nhân dân quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9% (theo tiêu chí mới), tỷ lệ hộ khá giàu tăng lên 45%. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. 
 
.Bài và ảnh: Phan Nga (baothanhhoa.vn)