Hiệu quả từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam đã vừa tổ chức thu hoạch thử nghiệm (tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn) và hội thảo rút kinh nghiệm từ mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai trên địa bàn, qua đó khẳng định hiệu quả kinh tế của mô hình, rút ra những kinh nghiệm quý để nhân rộng ra toàn tỉnh, tiến tới đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hiệu quả lớn


Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) vụ hè thu năm 2012 được UBND tỉnh Quảng Nam triển khai tại các xã Điện Phước (Điện Bàn), xã Quế Xuân I (huyện Quế Sơn), xã Đại Quang (Đại Lộc), xã Bình Tú (Thăng Bình), xã Tam An (Phú Ninh) và xã Duy Sơn (Duy Xuyên), với tổng quy mô 309 ha.


 

Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở Điện Bàn ngày càng phát huy hiệu quả.

 

 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, ngay từ đầu vụ, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ 90 công cụ sạ, cùng hàng chục máy gặt đập liên hợp, máy cày. Với sự hỗ trợ của lực lượng cán bộ kỹ thuật, các hộ dân đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, kết hợp công cụ sạ hàng, sử dụng giống kỹ thuật theo hướng thâm canh, đồng thời ứng dụng cơ giới hoá từ khâu làm đất đến thu hoạch. Mô hình sử dụng phân vi sinh góp phần cải tạo đất, giúp sản xuất lúa theo hướng bền vững. Ngành nông nghiệp Quảng Nam phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất các loại giống nguyên chủng, tham gia cung ứng giống, vật tư đầu vào cho nông dân tham gia mô hình và cam kết thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch.


Qua thu hoạch thử nghiệm, năng suất lúa ở nhiều cánh đồng của mô hình ước đạt từ 60 - 63 tạ/ha, trung bình đạt 61,3 tạ/ha, cao hơn lúa đối chứng từ 4 - 5 tạ/ha. Mô hình CĐML có lãi ròng cao hơn đối chứng trung bình 5,73 triệu đồng/ha. Xét trên từng cánh đồng cho thấy tổng lãi cao hơn lúa đối chứng là rất lớn như xã Điện Phước với 64 ha, thu lợi hơn 409 triệu đồng; xã Quế Xuân I với 85 ha, thu lợi hơn 510 triệu đồng... Không những thế, mô hình CĐML còn đảm bảo cho sản xuất lúa lãi trên 30% như chỉ đạo của Chính phủ, điển hình như ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, mô hình lãi 36%.


Mô hình còn góp phần giảm công lao động, giảm áp lực nhân công mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa, từng bước hiện thực hóa sự liên kết 4 nhà theo chỉ đạo của Chính phủ. CĐML bón phân hợp lý, giảm phân đạm gây ô nhiễm môi trường và tồn dư trong nông sản, ít sâu nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. CĐML còn sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên giúp cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Nhân rộng mô hình


Từ thực tế cho thấy, việc xây dựng CĐML với quy mô từ 20 ha/cánh đồng ở đồng bằng và 5 - 10 ha/cánh đồng ở miền núi là phù hợp với điều kiện của Quảng Nam. Việc ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa giúp sản xuất lúa vừa giảm chi phí đầu vào nhưng lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm.


Để mô hình CĐML thực sự đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra, theo các nhà quản lý, chuyên môn cần phải quy hoạch cánh đồng, dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ như bờ vùng bờ thửa, hệ thống tưới tiêu thuận lợi; áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” kết hợp với sử dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, sấy, sơ chế; liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá mô hình, tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, gắn với đào tạo nghề (nghề sản xuất thâm canh lúa thương phẩm và lúa giống) cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ.


Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết: Để nhân rộng mô hình trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai đến các huyện và cơ sở xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình. Tỉnh tổ chức quy hoạch cánh đồng mẫu lớn ngay từ vụ sản xuất đông xuân 2012 - 2013 và những năm tiếp theo đơn vị hợp tác xã hoặc xã. Tùy theo điều kiện kinh tế xã hội có thể triển khai từ 1 đến 2 cánh đồng, dần dần sẽ áp dụng cho đại trà. Tỉnh cũng sẽ lồng ghép các chương trình mục tiêu, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đạt được những yếu tố cơ bản của cánh đồng mẫu như dồn điền đổi thửa, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, cơ giới hóa sản xuất... vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Quảng Nam huy động sự tham gia của “4 nhà”, trong đó chú trọng vai trò của doanh nghiệp tham gia là yếu tố quan trọng để đầu tư vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm.


Tuy nhiên, để mô hình CĐML thực sự đi vào chiều sâu và mang tính bền vững, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cầm sớm có văn bản hướng dẫn để xây dựng cánh đồng mẫu cho từng vùng khác nhau, đặc biệt là kỹ thuật ứng dụng các nội dung, tiêu chí như quy mô, dồn điền đổi thửa, cơ sở hạ tầng cho cánh đồng, liên doanh liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cơ chế đầu tư cơ giới hóa...
 

Bài và ảnh: Nguyễn Sơn
Nguồn:baotintuc.vn