Hương quế Trà Bồng
- Chủ nhật - 28/10/2012 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phơi quế Trà Bồng loại miếng lớn và dày được căng trên khuôn để làm hàng thủ công mỹ nghệ - Ảnh: H.V.M. |
Từ thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng) đi theo đường liên tỉnh Trà Bồng - Trà My chừng hơn cây số đã ngửi được mùi vỏ quế từ những vựa buôn quế bên đường phả ra thơm lừng. Không còn cảnh gùi cõng, thồ chở quế bằng xe đạp, người Cor trong vùng nay đều dùng xe máy chở quế đến vựa bán. Nhiều người buôn quế đã thuê xe tải đưa quế mua được từ những thôn làng xa khuất đến bán lại tại vựa. Bên “chợ quế” khá nhộn nhịp này là những trại ươm với hàng triệu cây quế con đến tuổi nhổ trồng.
Trồng nhiều để cải thiện cuộc sống
Mưa lâm râm, vậy mà đến giữa trưa ông Hồ Văn Sâm mới từ rẫy xa về nhà vì “phải ráng dọn xong đất để mấy hôm nữa đưa cây quế xuống”. Ngồi bên bộ bàn tươm tất trong ngôi nhà xây khang trang cạnh chân núi, người nông dân 54 tuổi này không giấu được niềm phấn chấn khi nói về việc trồng quế: “Năm nay tui dọn đất trồng 5.000 cây, bù cho năm ngoái chỉ trồng có 2.000 cây. Tui còn phải giúp đứa con trai mới ra riêng trồng 3.000 cây nữa. Không riêng gì ở xã Trà Thủy mình, khắp Trà Bồng mấy năm nay ai cũng trồng quế nhiều”.
Sau khi đã bán hơn 2 tấn quế để có tiền thêm vào làm ngôi nhà mới hồi năm 2009, rồi các năm 2010, 2011 mỗi năm bán gần cả tấn quế, rẫy quế của ông Sâm đến nay vẫn còn khoảng 10.000 cây, trong đó phân nửa số cây đã có thể khai thác. “Tiền người Cor cất trong cây quế” - ông Sâm ví von. Cũng như hầu hết người Cor ở Trà Bồng, mỗi khi cần tiền trang trải cuộc sống là ông Sâm lại lột quế mang đến vựa bán.
Anh Hồ Văn Nam bán quế tươi cho chủ vựa quế ở xã Trà Sơn (huyện Trà Bồng) - Ảnh: H.V.M. |
Không nản lòng khi thấy giá quế xuống thấp, người Cor ở Trà Bồng luôn bền lòng với việc trồng quế. Ông Hồ Viết Mật, 59 tuổi, cho rằng dù giá quế lâu nay “nhích xuống chứ không nhích lên”, chừng năm năm nay người Trà Bồng trồng quế nhiều hơn thời trước. “Rẫy quế của tui còn khoảng 30.000 cây lớn có nhỏ có. Năm nay tui sắp trồng thêm 10.000 cây. Giá quế rẻ thì mình phải trồng thêm nhiều để có nhiều quế mà bán đặng có nhiều tiền” - ông Mật nói.
“Lập luận” của ông Mật, một trong số ít người xây được ngôi nhà ngói lớn ở vùng cao Trà Bồng hồi đầu thập niên 1990, cũng là suy tính của cư dân đất quế Trà Bồng. Đáng nói là lớp trẻ ở đây đều hăm hở với việc trồng quế. Anh Hồ Văn Chung, cư dân xã Trà Thủy, đã dọn xong rẫy để chừng vài tuần nữa là xuống đất thêm 9.000 cây quế. Chàng trai 37 tuổi mới vừa tân gia ngôi nhà xây với khoảng 400 triệu đồng hồ hởi: “Ông cha mình dựa vô cây quế để sống, đến đời mình phải dựa vô cây quế để khá lên. Tui còn trên rẫy khoảng 15.000 cây quế 2-10 tuổi, lúc nào cần tiền là có thể lột bán lần”.
Theo ông Hồ Văn Thái - 60 tuổi, một trong những người trồng nhiều quế ở xã Trà Hiệp, người Cor thường trồng quế dày để trừ cỏ lúc đầu, sau đó tỉa dần, đến khi cây quế chừng 7-8 tuổi lại tiếp tục tỉa, những cây còn lại sau đó sẽ nhanh lớn hơn, cho sản lượng cao hơn. Cây khoảng sáu năm tuổi thu hoạch trung bình 5-10kg quế tươi, 10 tuổi được 15-20kg, trên 20 tuổi có thể từ 25-30kg. Chỉ từ 20 năm tuổi, cây quế mới cho hạt giống ổn định hằng năm.
Ông Hồ Viết Mật (thôn 3, xã Trà Thủy) lột vỏ những cây quế sáu năm tuổi ở rẫy quế của mình - Ảnh: H.V.M. |
Thêm niềm tin từ thương hiệu
“Cùng với nỗ lực của bà con, những năm gần đây huyện đã hỗ trợ mỗi năm 2-3 triệu cây quế giống cho hộ nghèo từ các nguồn kinh phí có được, nhờ vậy lượng quế trồng ở Trà Bồng đã tăng lên khả quan. Huyện đang tính đến kế hoạch đầu tư lâu dài cho cây quế như tìm cách giúp hộ cận nghèo vay vốn trồng quế, bảo vệ chủng quế Trà Bồng, hạn chế thu hoạch quế non để tăng chất lượng quế cũng như có nguồn hoa quế dồi dào nhằm thu được sản phẩm mật ong” - ông Hồ Văn Thế, chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, nói. |
Ngoài cây quế giống được cấp, nhiều hộ nghèo còn tự ươm hay bỏ tiền mua thêm quế giống trồng hằng năm để mong sớm thoát khỏi nghèo khó. Dù trồng nhiều nhưng ai cũng cất công làm cỏ dọn cành đều cho rẫy quế mỗi năm hai lần, giữ gốc quế sạch cỏ sạch cành để chúng mau lớn, ngăn trừ sâu bệnh.
Sản lượng quế Trà Bồng tăng đã kích thích thị trường tiêu thụ, tạo thành một vòng phát triển: các doanh nghiệp mua, chế biến quế tại địa phương làm ăn có lãi đã mở rộng việc kinh doanh quế, qua đó tác động tích cực đến việc trồng quế của cư dân.
“Mấy năm nay mỗi năm tui mua được chừng 800 tấn quế khô, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn hàng bên ngoài. Có được đầu ra ổn định, thông thoáng cũng là nhờ mình có nguồn quế thường xuyên bán ra để bạn hàng tin cậy. Được vậy cũng là nhờ bà con ở đây dốc lòng trồng quế, không làm theo kiểu “móng đâu câu đó”, tức chỉ trồng quế khi thấy quế cao giá” - ông Nguyễn Đức Lương, chủ doanh nghiệp Lương Hạ có sản xuất thêm hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, cho biết.
Thêm niềm tin cho những người đã hết lòng với loại cây trồng được cha ông lưu lại, từng làm cho quê xứ mình nổi tiếng với chúng: quế Trà Bồng (cùng với quế Tây Trà) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp chứng nhận thương hiệu hồi tháng 6-2009. “Ít lâu sau ngày quế Trà Bồng (và Tây Trà) được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định công nhận thương hiệu, doanh nghiệp từ các nơi, nhất là ở TP.HCM, tìm đến đặt mua, đưa giá quế lúc đó từ mức 15.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg” - kỹ sư Đinh Hồng Doanh, trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Trà Bồng, cho biết.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra từ cây quế Trà Bồng - Ảnh: H.V.M. |
Chủ doanh nghiệp Lương Hạ cũng nhìn nhận từ ngày quế Trà Bồng có thương hiệu, việc kinh doanh của các doanh nghiệp quế tại địa phương thuận lợi hơn. “Có thương hiệu quế Trà Bồng dán lên, bạn hàng trong nước, ngoài nước biết đến mình nhiều hơn, niềm tin của họ ở sản phẩm của mình cũng tăng. Phần mình cũng phải cố gắng bảo đảm chất lượng sản phẩm” - ông Lương nói.
Cũng thế, những người Cor nối đời với cây quế cũng phấn khởi, tin tưởng nhiều hơn ở việc trồng quế. “Giờ mới thấy cây quế ông cha để giống lại cho mình là quý. Tui chỉ lột ba cây quế bảy năm tuổi được 35kg quế tươi, bán mỗi ký được 9.000 đồng, cũng có để chi tiêu khi cần. Quế giờ không thể cao giá như thời trước nhưng trồng nhiều sẽ giúp mình thoát nghèo, khá lên thôi” - anh Hồ Văn Nhân, 32 tuổi, xã Trà Hiệp, nói bên xe quế anh chở đến vựa bán.
Theo tuoitre.vn