Khắc phục vướng mắc trong đào tạo nghề nông nghiệp

Khắc phục vướng mắc trong đào tạo nghề nông nghiệp
Tại cuộc họp mới đây về rà soát những vướng mắc sau 2 năm triển khai chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đại diện nhiều Bộ ngành, địa phương đã lên tiếng về những bất cập trong thí điểm cấp thẻ học nghề cho lao động nông thôn.

Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), đến tháng 4/2012, đã có 6.600 học viên thuộc 4 huyện của hai tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre được cấp thẻ học nghề nông nghiệp.

Đào tạo nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sản xuất

Tại tỉnh Bến Tre, tính đến cuối năm 2011, tỉ  lệ học viên được đào tạo mới đạt khoảng 75% số thẻ được phát ra, và tỉ lệ học viên có việc làm sau đào tạo mới đạt 70% , còn tỉnh Thanh Hóa thì chưa có báo cáo đánh giá.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhận xét còn có tình trạng người lao động chọn nghề chưa phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Ông Đỗ Thế Hạnh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa, nêu thực trạng, việc phân “đẳng cấp” thẻ học nghề theo đủ các loại thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ… khiến việc quản lí và thẩm định cho đối tượng được ưu tiên đi học là hết sức rối rắm.

Không những thế, cơ chế thẩm định cũng còn nhiều vướng mắc. Một bộ hồ sơ của đối tượng học viên, hiện phải trải qua tới 3 - 4 cơ quan thẩm định như chính quyền sở tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Kho bạc Nhà nước…

Cụ thể, về danh mục nghề được đào tạo, ông Đỗ Thế Hạnh cho biết danh mục các nghề nông nghiệp mới chỉ có 71 nghề là quá  ít và cứng nhắc, cần phải đưa ra một cơ  chế lựa chọn “mở” mang tính gợi ý cho các địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện và ưu thế cụ thể.

Đơn giản như tại Thanh Hóa, hiện cây luồng có rất nhiều, nhưng trong danh mục lại không hề có nghề dạy trồng luồng. Đồng thời, việc cấp thẻ cho các học viên cũng không nên “thả lỏng” theo kiểu, để học viên ở vùng trồng cói cũng có thể nhận thẻ rồi sang vùng khác học nuôi tôm, mà nên cấp thẻ cố định dựa theo lợi thế sản xuất riêng của từng địa phương.

Cũng theo ông Hạnh, mặc dù từ cuối năm 2011, Chính phủ đã có quyết định chuyển toàn bộ phần đào tạo nghề nông nghiệp sang cho Bộ NNPTNT và  Sở NNPTNT các tỉnh quản lí, tuy nhiên, do chưa có  thông tư hay hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, nên hiện tại Sở LĐTBXH vẫn đang hoàn toàn quyết định quản lí tài chính trong việc đào tạo nghề nông nghiệp.

Chính vì vậy, mặc dù đến nay đã  sắp hết vụ sản xuất Đông xuân 2011-2012, nhưng bản thân ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể triển khai kế hoạch đào tạo được một lớp học nào về ngành nông nghiệp cho nông dân.
 

 

Xây dựng “ngân hàng nghề nông nghiệp”

Trước vướng mắc mà tỉnh Thanh Hóa nêu, đại diện Bộ Tài chính giải thích, do thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lí dạy nghề trong nông nghiệp chưa được sửa đổi và phê duyệt nên kinh phí cho việc thí điểm đào tạo nghề theo diện cấp thẻ hiện vẫn do Bộ LĐTBXH quản lí.

Về “bộ khung” danh mục nghề, đại diện Bộ LĐTBXH khẳng định đó chỉ là danh mục mang tính gợi ý cơ bản, còn các địa phương hoàn toàn có quyền quyết định lựa chọn nghề đào tạo phù hợp. Nhưng thực tế là khi quyết toán kinh phí đào tạo, Kho bạc Nhà nước chỉ quyết toán cho các nghề có trong danh mục đã được phê duyệt.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT, cho rằng, thời gian tới cần phải tổng hợp rà soát để đưa ra một “ngân hàng nghề” cho các địa phương thoải mái lựa chọn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong việc đào tạo nghề cho nông thôn, cụ thể là đối với những ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông Cao Đức Phát cũng cho biết sẽ sớm kiến nghị Chính phủ giao hẳn toàn bộ việc quản lí phần dạy nghề nông nghiệp cho Bộ NNPTNT trong thời gian sớm nhất để thống nhất đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm và đưa việc thí điểm cấp thẻ học nghề đi đúng đường như định hướng ban đầu đã đề ra.

Theo chinhphu.vn