Kinh nghiệm nuôi gà của anh Hoàng

Kinh nghiệm nuôi gà của anh Hoàng
Nhờ mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi gà Ai Cập mà gia đình anh Vũ Mạnh Hoàng, 41 tuổi, ở xã Quang Minh (Chơn Thành - Bình Phước) có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Năm 1994, anh Hoàng tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với tấm bằng loại ưu trong tay, anh nghĩ sẽ sớm xin được việc làm ổn định, nhưng qua mấy năm, công việc chẳng ra đâu vào đâu, anh nản chí. Thấy quê hương mình có nhiều điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi, anh đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi nhím, chồn hương, gà thương phẩm. Nhưng qua một thời gian, trang trại của anh lỗ nhiều hơn lãi vì không cạnh tranh được với các hộ nuôi nhím, chồn khác trong tỉnh. 

Nhìn thấy bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ xuống sông, xuống bể, anh Hoàng định bỏ cuộc. Một lần tình cờ, anh đọc được trên báo thấy có mô hình nuôi gà Ai Cập khá hiệu quả, kỹ thuật nuôi lại không khác nhiều so với các loại gia cầm khác, thế là anh vay mượn thêm ít tiền để cải tạo chuồng trại, bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi gà Ai Cập.

Để chắc ăn, năm 2011, anh Hoàng lặn lội ra tận Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) để tìm hiểu, học tập mô hình chăn nuôi mới và được cán bộ của trung tâm nhiệt tình tư vấn, cấp tài liệu tham khảo. Sau khi nghiên cứu kỹ, anh Hoàng mua 500 con gà giống Ai Cập về nuôi thử nghiệm. Nhờ chăm sóc cẩn thận, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ nên đàn gà nhà anh lớn nhanh, đẻ nhiều.

Anh Hoàng cho biết: Trứng gà Ai Cập có tỷ lệ lòng đỏ cao, tới 34% nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thường dao động trong khoảng 3.000 đồng/quả. Hơn nữa, do chưa có nhiều người nuôi gà Ai Cập nên trên thị trường, chúng thuộc dạng “hàng hiếm”, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bên cạnh đó, việc nuôi gà Ai Cập thương phẩm cũng có nhiều thuận lợi vì thịt gà săn chắc, thơm ngon, giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Hiện nay, mặc dù các mặt hàng nông sản đang xuống giá nhưng đàn gà đẻ của gia đình anh vẫn cho lãi đều, khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Theo kinh nghiệm của anh Hoàng, kỹ thuật nuôi gà Ai Cập cũng đơn giản như gà ta, nhưng nên nuôi khép kín để tránh thất thoát, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn gà đẻ trứng cần chú ý đến chế độ ăn uống và làm ổ đẻ cho gà, chuồng cũng phải luôn sạch sẽ, khử trùng trước khi nuôi 2-3 tuần; máng ăn, máng uống cũng cần sát trùng.

Thông thường, gà 20 tuần tuổi thì bắt đầu đẻ, ở giai đoạn này, nên cho gà ăn theo định mức 100g thức ăn/con/ngày ở tuần 21, sau tăng dần lên và duy trì ở mức 115g/con/ngày, đến khi gà chuẩn bị thải thì giảm lượng thức ăn. Ngoài ra, trong giai đoạn gà đẻ trứng cũng cần điều chỉnh thêm ánh sáng bằng cách thắp bóng điện; nên bổ sung vào thức ăn một số chất như bột đá, vỏ sò để tạo vỏ trứng, cho gà ăn thêm rau xanh để bổ sung vitamin, uống nước đầy đủ, tiêm phòng vắc-xin định kỳ. 

“Không nên nuôi gà Ai Cập ở nơi có tiếng ồn lớn vì đây là giống gà ưa yên tĩnh. Gà đẻ chỉ cho năng suất cao trong vòng một năm đầu, sau đó thanh lý dần để thay đàn. Vì vậy, để chăn nuôi ổn định, bà con phải làm 2 chuồng: một chuồng nuôi hậu bị, một chuồng nuôi đẻ”, anh Hoàng nói.

Quảng Bình (kinhtenongthon.com.vn)