Kỹ sư thủy lợi mát tay... nuôi lợn rừng
- Thứ ba - 10/07/2012 21:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tôi biết Hải cách đây vài năm, khi anh là một kỹ sư trẻ chuyên ngành công trình thủy lợi làm việc ở Hà Nội. Bẵng đi một thời gian, trong lần công tác mới đây ở Nghệ An, tôi tình cờ gặp lại anh...
Được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn rừng của anh Hải lớn rất nhanh. |
Biến ý tưởng thành hành động
Lần gặp này, Hải đưa tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Mình bỏ việc về quê chăn lợn được gần hai năm nay rồi” - Hải bắt đầu câu chuyện bằng thông báo “xanh rờn” như vậy. Thấy tôi hoài nghi, anh lấy trong cặp ra một tập bản thiết kế chuồng trại, kế hoạch nhập, xuất lợn hàng tháng... và khoe: “Tháng 4 có 5 nái đẻ, mỗi nái đẻ 8 - 10 con. Tháng 6 có 8 nái đẻ, dự kiến mỗi nái đẻ 10 con...”. Vậy là tôi tin Hải nói thật.
Giải thích về quyết định “ngược đời” của mình, Hải cho biết: “Hồi còn làm các công trình thủy lợi, mình đi rất nhiều nơi và thấy rất nhiều mô hình chăn nuôi rất hay, hiệu quả. Nhưng thú vị nhất vẫn là mô hình nuôi lợn rừng của các hộ dân ở Ba Vì (Hà Nội). Thích thì thích rồi, nhưng mãi đến khi gặp một người bạn cùng ý tưởng, tôi mới quyết định rời Hà Nội về quê nuôi lợn”.
Trước khi đưa ra quyết định, Hải đã tìm hiểu rất kỹ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lợn rừng của các khách sạn, nhà hàng. Điều anh ghi nhận được là nhu cầu tiêu thụ lợn “sạch” và có chất lượng là rất lớn, nhưng đều chưa đáp ứng được. Tìm được đầu ra, anh bắt đầu tính đến việc chăn nuôi. “Tôi đến Viện Chăn nuôi quốc gia để tìm hiểu và được TS Võ Văn Sự - Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học tư vấn. Từ đó, tôi quyết định mua 16 con giống trị giá gần 100 triệu đồng về nuôi” - Hải cho biết.
Bảo hành giống, hỗ trợ kỹ thuật
Hải sống ở TP.Vinh, nên để có đất xây dựng trang trại, anh đã đi tìm khắp nơi và cuối cùng chọn khu đồi ở thôn 6, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cách Vinh khoảng 10km. Trang trại của Hải rộng hơn 4.000m2, được chia thành 4 dãy chuồng, 2 dãy nuôi lợn nái và 2 dãy nuôi lợn thịt.
Mỗi dãy có 8 chuồng, lợn nái cứ 1 chuồng nhốt 1 con, còn lợn thịt trung bình 4-6 con/chuồng. Hải cho hay, trước kia anh định xây chuồng rộng, nhưng khi được TS Sự tư vấn, anh chỉ làm mỗi chuồng trung bình khoảng 8m2.
Hải kể: “Thấy tôi tâm huyết với con lợn rừng, bác Sự đã vào tận nơi để hướng dẫn cách xây chuồng, bảo quản thức ăn, rồi phòng chống bệnh tật... Đúng mùng 8 Tết năm 2011, con nái đầu tiên ở trang trại đẻ được 7 con.
Vì chưa có kinh nghiệm nên mình tính sai ngày nó đẻ. Sáng hôm đó tôi ra thăm chuồng thì thấy 7 con lợn con khỏe mạnh, mình vằn sọc dưa bở đang bú mẹ, tôi vui quá hét lên: Lợn đẻ rồi, lợn đẻ rồi...”.
Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia ở Viện Chăn nuôi, anh còn tìm đến các trang trại nuôi lợn rừng ở Ba Vì, Thanh Hóa, Nghệ An... để trao đổi và học qua tài liệu, sách, báo. Cứ như vậy, vừa làm vừa học từ lúc “chưa biết gì”, đến nay Hải đã trở thành một “kỹ sư” thành thục việc bắt bệnh, đỡ đẻ cho lợn.
Hiện trang trại của anh có 20 con lợn nái, 30 lợn thịt và hơn 50 lợn choai. Vừa qua anh xuất bán gần chục con lợn giống, loại từ 12-15kg/con giá 250.000 đồng/kg, loại 10kg/con giá 300.000 đồng/kg, lợn thịt 180.000 - 200.000 đồng/kg. Đối với lợn giống, anh bảo hành, hỗ trợ về kỹ thuật cho các hộ nuôi đến khi lợn đẻ, sinh trưởng tốt.
Theo lời Hải, với quy mô trang trại hiện nay anh khó có thể cung cấp đủ lợn giống và lợn thịt cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn.
“Tôi đang định thầu thêm khu đồi cạnh trang trại, nhưng vẫn còn khó khăn về thủ tục.Nếu được chính quyền thôn, xã tạo điều kiện, tôi sẽ thầu thêm khoảng 10.000m2 nữa, dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 10 lao động và sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu con giống, thúc đẩy phong trào chăn nuôi “con đặc sản” ở Nghệ An, Hà Tĩnh”.