Lãi gần 2 tỷ đồng vụ nuôi tôm sinh học
- Thứ bảy - 13/08/2016 01:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong bối cảnh hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để thích ứng với xu hướng ưa chuộng sản phẩm sạch và an toàn của người tiêu dùng. Dự án nuôi tôm theo phương pháp an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh và hóa chất do Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt và Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung (Bình Thuận) hợp tác đầu tư tại xã Thịnh Lộc sau vụ nuôi đầu tiên đã mang lại hiệu quả.
Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt thu hoạch vụ tôm thương phẩm đầu tiên.
Ông Đặng Hùng Mạnh - Phó Giám đốc điều hành Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt cho biết, toàn dự án nuôi trồng thủy, hải sản của công ty có quy mô 10 ha, trong đó, 6 ha được quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Dự án gồm 16 ao nuôi, dung tích 2.000 m3/ao, được xây dựng hiện đại theo mô hình nuôi tôm trên cát, đáy ao phủ bạt. Cùng với đó là hệ thống ao gièo, còn gọi là bể thuần dưỡng tôm giống được xây dựng kiên cố, có mái che và thiết bị hiện đại như hệ thống ổn định nhiệt độ, thổi khí, sục khí… Tôm giống sau khi được vận chuyển về sẽ được thả trong bể gièo nuôi trong khoảng 2-3 tuần, khi hoàn toàn khỏe mạnh mới được thả ra ao nuôi.
Theo ông Đặng Hùng Mạnh, điều đặc biệt nhất ở mô hình chính là nước biển được sử dụng tuần hoàn, khép kín. Cùng với hệ thống ao nuôi và bể gièo, mô hình còn có các bể lắng xử lý nước thải. Mỗi năm, chỉ cần lấy nước biển 1 lần, thay vì mỗi vụ sản xuất lại phải lấy nước biển như cách nuôi thông thường. Sau khi đưa vào các bể lắng, nước biển sẽ được quan trắc bằng các thiết bị hiện đại, xử lý bằng các chế phẩm sinh học để loại bỏ hóa chất độc hại. Trong quá trình nuôi, nước biển trong ao vẫn được kiểm tra thường xuyên. Nước thải sau khi nuôi lại được dẫn quay trở lại bể lắng, tiếp tục được xử lý, tái sử dụng ở các vụ nuôi tiếp theo. Ngoài ra, các bể lắng được thả cá rô phi, đây được coi là một cách kiểm tra tự nhiên để đánh giá mức độ an toàn của nước thải trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học không sử dụng các loại hóa chất độc hại mà chỉ dùng các loại chế phẩm sinh học để hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Cùng với đó là hệ thống quan trắc, công nghệ kiểm tra hiện đại do Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung cung cấp làm giảm thiểu rủi ro, qua đó, góp phần ổn định đầu ra bởi sản phẩm có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn, phát triển bền vững.
Sau hơn 3 tháng nuôi, đến nay dự án đã bắt đầu thu hoạch tôm thương phẩm. Tôm sinh trưởng tốt, trọng lượng đạt khá, khoảng 60/1 kg.
Những ngày đầu tháng 8 này, hơn 20 công nhân đang tích cực sửa chữa thiết bị để thả giống vụ tôm thứ 2 kịp tiến độ. Ông Lê Văn Thiệu - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt cho biết: “Cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành thu hoạch và tiêu thụ tôm thương phẩm vụ đầu tiên nuôi theo hướng công nghệ cao. Trong vụ đầu tiên, chúng tôi thả hơn 6 triệu con giống, sau hơn 3 tháng, tôm sinh trưởng tốt, đạt mức 60-80 con/kg, sản lượng đạt khoảng 60 tấn, do giá bán chưa thực sự ổn định, lợi nhuận vụ đầu tiên đạt khoảng gần 2 tỷ đồng. Có thể nói, do chi phí đầu tư lớn, cái chúng tôi muốn hướng đến trên cả lợi nhuận là sản phẩm sạch và môi trường nên mặc dù chưa thực sự tạo được sự bứt phá mạnh về hiệu quả kinh tế, song bước đầu chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh và các vấn đề môi trường, để đảm bảo phát triển bền vững”.
Ông Thiệu cũng chia sẻ thêm, từ khi thực hiện dự án, rất nhiều người dân địa phương đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm, về phía công ty, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi tôm an toàn sinh học cho người dân.
Theo Đức Chiến/baohatinh.vn