Làm giàu để tri ân

Làm giàu để tri ân
Chiến tranh kết thúc, bà Vũ Thị Kim Liên đau đáu muốn trở về quê hương, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên bà quyết định ở lại Đà Nẵng làm giàu để tri ân những người đã từng cưu mang mình...

 

Bà Liên sinh năm 1954, quê ở vùng chiến tranh khốc liệt Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam, hiện đang ngụ tại tổ 51, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ở giữa TP.Đà Nẵng mà có cả ha đất như bà bây giờ có thể gọi là đại gia. Tuy nhiên, bà sống rất tằn tiện, nói đúng hơn là bà tằn tiện với chính mình, nhưng lại rất hào phóng với xã hội, với những người đã cưu mang mình, với đồng đội, và với bất cứ hoàn cảnh thương tâm nào...

Bà Vũ Thị Kim Liên hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho các lao động làm trong trang trại của mình.

Chắt chiu từng thẻo đất

Năm bà Liên 2 tuổi, bố mẹ bà tham gia cách mạng và đều bị địch giết. Bà con xóm giềng đã nuôi nấng, đùm bọc bà cho đến khi bà là đội trưởng đội diệt ác của xã, rồi cán bộ trinh sát của mặt trận Quảng Đà.

Sau 1975, một mình bà nuôi 4 đứa con, tài sản chỉ là cái ba lô, nhà cửa không có, tối tối 5 mẹ con quây mấy cái bàn tại cơ quan lại làm chỗ ngủ. Bà về quê, hài cốt bố mẹ nằm đâu không biết, tiền bạc không có làm sao đi tìm. Những người từng giúp bà đang sống vất vả, bà biết ơn họ, muốn giúp đỡ họ nhưng ngoài lời cảm ơn, bà không có gì hơn. Sau nhiều đêm mất ngủ, bà quyết tâm làm giàu.

Bà lấy xà beng nạy những sân nhựa bỏ hoang ở phố để tận dụng từng thẻo đất trồng rau nuôi heo. Bà quần quật làm thêm nuôi 4 con nhỏ, vừa làm việc cơ quan, vậy mà có lúc bà nuôi được đến 30 con heo. Làm dư được đồng nào, bà dành mua đất hoặc thuê người khai hoang đất. "Cốt lõi của nông dân là đất. Tôi đã bỏ ra hai, ba chục năm để tích lũy đất. Có những lúc tôi đủ tiền để mua một, hai chiếc ô tô, nhưng tôi vẫn đi xe đạp, để dành tiền mua đất" - bà Liên tâm sự.

Bà mua, khai hoang để đến bây giờ là cả chục ngàn m2. Có miếng đất nào là bà trồng cây, nuôi cá, nuôi chó thịt, lập trại gà... Mấy năm trở lại đây, bà trồng thêm nấm linh chi, mỗi năm 2 vụ, lãi 100 - 120 triệu đồng/vụ. Từ tay trắng, bà có nhà cửa, con cái học hành đàng hoàng, có cuộc sống ổn định.

Tằn tiện để giúp mọi người

"Những gì mình làm hôm nay chẳng đáng là bao so với tình cảm của bà con ngày xưa đối với mình. Mình bù đắp cho bà con một ngàn chén cơm bây giờ cũng không bằng bà con nhường cho mình một chén cơm ngày trước, vì chén cơm đó, bà con có thể đổi cả mạng sống nếu địch phát hiện được" - bà Liên tâm sự.

Khi đã có tiền, bà về quê thăm hỏi những bà con từng dưỡng nuôi mình, người đau yếu, bà giúp thuốc thang, người khó khăn, bà tạo điều kiện làm ăn, con cái ai chưa có việc làm, bà cho về làm cùng... Trang trại của bà có lúc lên tới 25 lao động, trong đó phần lớn là con cháu ân nhân của bà ngày trước và những thanh niên ở quê chưa có việc làm. Nhiều sinh viên khó khăn không có tiền ăn học, bà cho tiền ăn học cho đến khi ra trường. Bà còn giúp một cô gái lầm đường hoàn lương bằng một số vốn đủ cho cô làm lại cuộc đời lành mạnh. Nhờ bà mà cô gái này bây giờ đã khá giả... Có tiền, bà đi tìm hài cốt bố mẹ. Năm 2010, tức gần 50 năm sau ngày bố mẹ bà mất, bà mới tìm được chỗ bố mẹ nằm. Sau đó, bà tiếp tục bỏ tiền túi đi tìm hài cốt các liệt sĩ là đồng đội của bố mẹ, của mình năm xưa mà bây giờ cháu con vì khó khăn chưa tìm được. Bà đã tìm và an táng chu đáo cho 6 liệt sĩ như thế.

Là một chủ trang trại làm ăn phát thành, năm nào bà cũng được Hội ND thành phố Đà Nẵng biểu dương khen thưởng, nhưng bà vẫn sống cuộc sống tằn tiện như những ngày gian khó. "Xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, mình tiết kiệm để giúp được ai thì giúp..." - bà Liên tâm sự .