Làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu Pháp
- Thứ năm - 11/04/2013 09:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, gia đình lại đông con nên từ nhỏ, mấy anh em trong gia đình Lợi đã phải làm lụng vất vả, dù vậy, ai cũng được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện công nghiệp Hà Nội (năm 2006), cầm tấm bằng loại khá trên tay, Lợi vô cùng vui mừng vì hoài bão của mình sắp được thực hiện. Tuy nhiên, khi cầm bộ hồ sơ xin việc đi “gõ cửa” nhiều nơi, anh chỉ nhận được những cái lắc đầu. Chán nản, Lợi quyết định về quê lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng và khối óc của mình…
Nghề nuôi chim bồ câu đến với Lợi cũng khá tình cờ, đó là một lần anh ra Hà Nội, được người thân dẫn đi tham quan một số mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Cũng trong lần đó, Lợi đã bị mô hình nuôi chim bồ câu Pháp công nghiệp cuốn hút.
Với cá tính dám nghĩ, dám làm, Lợi liền bắt 6 cặp chim giống về nuôi thử. Qua thời gian thử nghiệm, Lợi nhận thấy: Đây là loài chim sinh sản và tăng trưởng nhanh, sức đề kháng cao, có thể phát triển tốt trong tương lai. Năm 2007, Lợi đã bỏ công sức học hỏi, tìm tòi thêm kỹ thuật nuôi và quyết định đầu tư vốn mua thêm 60 cặp chim giống.
Do mới làm quen với phương pháp chăn nuôi gia cầm nên ban đầu, Lợi cũng gặp khá nhiều khó khăn: cơ sở vật chất chật hẹp, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế, đôi khi trứng ấp bị ung, chim non bị chết... Lợi phải dành thời gian cả ngày lẫn đêm chỉ để quan sát, ghi chép rồi đánh giá quy trình sinh hoạt của giống chim mới. Có lần, anh gọi điện thoại ra Bộ Nông nghiệp và PTNT nhờ cán bộ tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi.
Bằng cách làm truyền thống “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay trang trại của Lợi đã có 1.400 cặp chim sinh sản với 2 mô hình: nuôi lồng công nghiệp và nuôi lồng tham quan, nghiên cứu.
Lợi cho biết: “Bồ câu sinh trưởng nhanh, từ khi nở đến khi ra ràng là 45 ngày, trong khoảng thời gian ấy, chim mẹ vừa có thể đẻ trứng, vừa có thể nuôi con”. Hiện, bình quân mỗi tháng, gia đình Lợi xuất bán khoảng 700 cặp chim giống với giá 230.000 đồng/cặp; mỗi tuần bán 250 cặp chim thương phẩm, giá 125.000 đồng/cặp. Trừ chi phí, gia đình Lợi thu lãi khoảng 35 triệu đồng/tháng.
“Nuôi chim bồ câu không khó bởi chúng ít bị bệnh, sức đề kháng cao, chỉ cần làm cho chim một chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Một ngày chim ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, thức ăn chủ yếu là thóc và ngô, cộng với nước uống sạch, thi thoảng phải trộn thêm cát, sỏi vào thức ăn để chim tiêu hóa tốt hơn”, Lợi chia sẻ.
Giờ đây, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của Lợi không chỉ giải quyết việc làm cho 3 lao động với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng mà còn tạo hướng làm ăn mới trên quê nghèo Hoằng Đông, trở thành địa chỉ cung ứng con giống tin cậy và là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định…
Thời gian tới, Lợi sẽ mở rộng thêm trang trại nhằm đáp ứng cho thị trường khoảng 4.000 cặp chim sinh sản, đồng thời, anh đầu tư nuôi thêm 80 con chim trĩ sinh sản. Mong muốn lớn nhất của Lợi hiện nay là được chính quyền địa phương tạo điều kiện mở rộng trang trại để anh có thể nuôi 5.000 cặp chim giống.
Văn Trường (kinhtenongthon.com.vn)