Làm giàu từ “3 con”

Làm giàu từ “3 con”
Nguyên là cán bộ y tế địa phương, do hoàn cảnh khó khăn, Hà Ngọc Lễ (ấp Thới Hữu, xã Thới Đông) chuyển sang làm ruộng kết hợp nuôi cá tôm quanh năm, kinh tế gia đình anh trở nên khá nhất nhì trong xã.

Tay trắng vẫn làm nên 

Xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) mùa lũ đồng ruộng trắng xóa, người dân đa phần sống bằng nghề đánh bắt cá và nuôi thủy sản.

Năm 1987, Hà Ngọc Lễ lập gia đình và ra ở riêng. Trong tay không “cục đất chọi chim”, vợ chồng anh quyết tâm từ làm thuê tích góp tiền mua nhà cửa đất đai tạo sự nghiệp. Qua nhiều năm, vợ chồng anh mua được 4 công ruộng, làm lúa mỗi năm hai vụ; còn vụ 3, mùa nước lũ anh mua cá về thả. Thành công nhiều năm từ “hai lúa một cá”, năm 2001 anh được xã cho đi tham quan mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa Hậu Giang, đã thành công và lợi nhuận cao.

Từ đó trong anh hình thành ý tưởng nuôi tôm càng xanh. Anh cho đào ao, mua giống về thả thử trên diện tích 1.000 m2; vụ đó thu hoạch 400 kg tôm càng xanh, trừ chi phí còn lãi hơn 22 triệu đồng. Vợ chồng anh dồn hết tiền của đầu tư nuôi tôm càng, đều rất thành công, vụ sau hơn vụ trước. Từ đó có đồng vốn xoay trở trong năm. Ít lâu sau, anh mở rộng diện tích nuôi lên 1 ha, một năm làm lúa 1 vụ, 2 vụ còn lại tập trung nuôi tôm, doanh thu mỗi vụ gần 300 triệu đồng. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, Hà Ngọc Lễ còn tận tình hướng dẫn nhiều hộ khác cùng thực hiện.

 Xem tivi, thấy nông dân Cà Mau nuôi cá bống tượng kết hợp cá chình, anh thấy hay quá. Hai loài này có thể sống chung, ăn cùng loại thức ăn. Ít lâu sau, anh thuê người đào ao 500 m2, mua cá giống bống tượng ở Hậu Giang, mua giống cá chình ở miền Trung hơn 12 triệu đồng. Nuôi kết hợp cá chình với bống tượng cũng thành công không thua gì nuôi tôm.

 

Nuôi ghép cá - tôm

Theo Hà Ngọc Lễ, nuôi cá kết hợp rất nhàn, vì hai loại này bổ trợ cho nhau, tận dụng thức ăn trong ao hầm, không để thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá bị bệnh. Thức ăn của hai loài cá này là thức ăn mồi cá đồng xay ra, cho ăn một ngày 2 lần sáng và chiều. Mùa nước lũ, anh đi săn bắt thêm ngoài đồng đem về cho cá ăn. Mùa khô, anh xây bể trên bờ cho cá rô phi đẻ, lấy cá con làm mồi cho cá chình và bống tượng. Mô hình khép kín, chi phí đầu tư ít, chăm sóc kỹ, nên vụ nuôi nào cũng thắng đậm.

Nuôi cá chình, đối với Hà Ngọc Lễ, khó nhất ban đầu khi tìm mua con giống với giá cao 32.000 đồng/con, phải đặt hàng, vận chuyển từ xa về, không kiểm soát được nguồn giống thuần mà đa phần giống mua từ người dân săn bắt. Giống đó đem về nuôi, tỷ lệ hao khoảng 30%, nuôi tuần đầu hao tiếp khoảng 20%. Khi đã thích nghi môi trường, cá chình sống khỏe. Hiện, cá của anh đang giai đoạn 600 g - 1 kg/con; cá bống tượng nuôi ghép đạt 400 - 500 g/con; giá bán 370.000 - 400.000 đồng/kg.

Với tôm và cá bống tượng, anh tự cho đẻ lấy giống nuôi quanh năm, đồng thời giảm chi phí đầu vào. Cá con làm mồi anh cũng tự cho đẻ nên 3 loài của anh nuôi (tôm, bống tượng, cá chình) đều mang lại hiệu quả cao. Thời điểm này, anh đang tuyển chọn cá bống tượng xuất bán cho thương lái khoảng 50 kg; cá chình thì giữ lại nuôi tiếp. 

>> Mô hình nuôi ghép của Hà Ngọc Lễ, cá bống tượng mỗi năm thu hoạch 2 lần, tôm mỗi năm thu hoạch 1 lần, cá chình 3 - 4 năm mới cho thu hoạch, đạt trọng lượng 2 - 3 kg/con.

Lê Hoàng Vũ
thuysanvietnam.com.vn