Làm giàu từ kinh tế VAC

Làm giàu từ kinh tế VAC
Ông Lê Văn Nuôi là người đi đầu trong phong trào làm kinh tế VAC ở thôn Phước Lộc, xã Đồng Phước (TP.Nha Trang - Khánh Hòa). Nhờ mô hình này, mỗi năm gia đình ông có thu nhập 300 triệu đồng.

Ông nuôi chăm sóc đàn heo của gia đình.

Ông Nuôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hưng Yên. Năm 1967, ông lên đường nhập ngũ; năm 1975, xuất ngũ về quê hương song cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 1996, ông cùng gia đình khăn gói vào xã Đồng Phước lập nghiệp. Với nghị lực của người lính, ông đã vỡ đất khai hoang làm kinh tế trang trại theo mô hình VAC.

Ở vùng đất mới, vợ chồng ông khai hoang được 2ha đồi. Lúc mới đến, khu vực này toàn cây dại, không có nước. Ông phải vay vốn ngân hàng, người thân đầu tư làm đường vào trang trại, kéo điện phục vụ sản xuất. Đầu tư lớn nhất của ông chính là hệ thống dẫn nước tự chảy từ trên núi xuống trang trại với chiều dài 3,5km.

Sau đó, ông bắt đầu trồng cây, lập vườn, chăn nuôi. Mấy năm nay, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng đào ao, xây dựng chuồng trại, mua cây, con giống. Với diện tích 2ha, ông trồng 6.000m2 xoài cát Hòa Lộc, 3.000m2 nhãn lồng, 3.000m2 mít Mã Lai; đào 2.000m2 ao thả cá, xây dựng 2.000m2 chuồng trại nuôi heo nái, heo thịt, gà đẻ trứng…

Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, xung quanh ao cá và diện tích trồng cây ăn quả ông Nuôi trồng xen chuối, dứa, riềng, sả, đu đủ, rau, bí, cải, khoai lang... Đến nay, trong chuồng của gia đình thường xuyên nuôi 30 con heo, trong đó có 5 heo nái, 25 heo thịt. Lượng heo giống đều được ông giữ lại nuôi thương phẩm. Nhờ chủ động được con giống nên riêng nuôi lợn, ông thu lãi 80 - 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông còn nuôi 100 gà thả vườn, 50 vịt đẻ, thu nhập trên 20 triệu đồng/năm. Nhưng nguồn thu nhập chính là vườn cây ăn quả gồm 100 cây xoài, 20 cây nhãn, hàng chục cây chuối và 500 gốc dứa, cho thu nhập bình quân 140 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Nuôi còn nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi... Nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng từ phân heo, kết hợp thức ăn công nghiệp nên giảm đáng kể chi phí.

Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Làm vườn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, lại ham nghiên cứu sách báo, ông Nuôi đã xây dựng hệ thống nước rửa chuồng trại khá quy củ; xây hầm biogas để xử lý chất thải của heo, đồng thời dùng khí gas phục vụ sinh hoạt trong gia đình và chăn nuôi. Bã thải của hầm biogas được ông tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Chia sẻ bí quyết làm giàu, ông Nuôi cho biết: “Là nông dân phải biết tính toán làm ăn, biết tìm tòi học hỏi cái hay, cái mới thì sản xuất, chăn nuôi mới đem lại hiệu quả cao. Điều quan trọng nhất trong sản xuất là phải hiểu biết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chủ động phòng chống dịch bệnh”.

Ở tuổi 62, với quyết tâm và nghị lực, cùng sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ông Nuôi đã xây dựng được mô hình trang trại VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của ông và những người làm vườn hiện nay là giá heo, gà thương phẩm giảm liên tục, trong khi giá thức ăn tăng quá cao, đặc biệt là lượng heo, gà nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều, dẫn đến heo, gà trong nước phải trầy trật tìm đầu ra. Nên chăng Nhà nước cần có chính sách trợ giá, đầu tư khoa học công nghệ để người dân biết cách làm ăn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn gà, heo nhập lậu để lành mạnh hóa thị trường.

Hỏi về dự định sắp tới, ông Nuôi cho biết : “Tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, đồng thời tận dụng lợi thế hệ thống nước tự chảy làm hệ thống bơm phun tự động để tưới cho cây trồng”.

Thái Hồng Quang

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn