Làm kinh tế trang trại theo VietGAP ở Ninh Bình
- Thứ hai - 15/10/2012 04:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiềm năng lớn Để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, không ít nông dân Ninh Bình đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, thoát khỏi sự gò bó, hạn hẹp của kinh tế hộ, sản xuất theo hướng trang trại. Có thể nói, kinh tế trang trại ở Ninh Bình không chỉ phát triển mạnh mà còn đa dạng với các loại hình như: trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, trang trại theo mô hình VAC, VACR… Kinh tế trang trại phát triển đã tận dụng và phát huy được lợi thế vùng, đặc biệt là khai thác, mở mang thêm được những diện tích đất hoang hoá. Sự nở rộ của kinh tế trang trại còn góp phần tăng thêm nguồn nông sản thực phẩm dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác. Đối với các trang trại lâm nghiệp, không chỉ làm giàu cho các chủ trang trại mà còn góp phần xây dựng và giữ gìn môi trường sinh thái, chống bão, gió, xói mòn, sạt lở đất. Ninh Bình hiện có gần 1.000 trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp; các trang trại điển hình trên địa bàn phải kể đến trang trại chăn nuôi lợn của ông Trịnh Xuân Kim (xóm 4, Kim Mỹ, Kim Sơn), doanh thu trên 2,6 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi nhím và lợn rừng của hộ ông Nguyễn Văn Kỷ (tổ 11, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp), doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi ếch, ba ba của ông Nguyễn Văn Thông (xóm 7A, Cồn Thoi, Kim Sơn)… Không ít trang trại bắt đầu có sự mở rộng hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh như HTX liên doanh các trang trại Nho Quan, câu lạc bộ trang trại trẻ ở Yên Khánh, câu lạc bộ chăn nuôi con đặc sản ở Gia Viễn, kinh tế vườn đồi ở thị xã Tam Điệp... Hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội từ phát triển của trang trại đã quá rõ nét. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển còn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, tháo gỡ, đó là phát triển manh mún, năng suất chưa cao, đầu ra cho sản phẩm không ổn định... Làm thế nào để tháo gỡ những vướng mắc này là câu hỏi khó đặt ra cho ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Và một trong những lời giải mà các ngành chức năng chọn lựa là phát triển theo quy trình VietGAP. Những người đi đầu Tại lớp tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh một số cây ăn quả đặc sản theo hướng GAP vừa được Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam tổ chức mới đây ở Ninh Bình, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lân ở xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp), người đi đầu trong phong trào trồng bưởi Diễn theo quy trình GAP ở địa phương. Ông Lân sở hữu 2ha vườn đồi màu mỡ và cũng đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại cả chục năm. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông hưởng trọn niềm vui được mùa như năm nay, khi vườn bưởi mới trồng hơn 1 năm đã mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Điều đáng nói là bưởi ông trồng theo quy trình VietGAP nên đảm bảo an toàn. Ông kể: “Trước đây, tôi trồng vải và nhãn là chủ yếu nhưng năng suất không cao, chưa kể đầu ra bấp bênh. Cách đây 4 năm tôi chuyển sang trồng thanh long, kết quả cũng khá khả quan, chỉ có điều quả nhỏ, không đẹp mã nên chỉ tiêu thụ trong vùng. Hơn 1 năm trước, được HLV tỉnh Ninh Bình hướng dẫn trồng bưởi Diễn theo quy trình VietGAP, tôi mạnh dạn làm theo. Kết quả thật bất ngờ, ngay năm đầu tôi đã thu về hơn 500.000 đồng/cây. Tuy mới chỉ cho thu hoạch khoảng 30 cây nhưng kết quả này khiến tôi vững tâm, tin tưởng mô hình sẽ đem lại thu nhập cao hơn nữa”. Cũng lựa chọn bưởi Diễn nhưng ông Phùng Văn Đường ở xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) đi trước ông Lân 1 năm. Ông tâm sự: “Năm đầu trồng bưởi Diễn, tôi trồng bình thường như các loại cây ăn trái khác, tuy cây có cho quả nhưng tôi chưa thực sự hài lòng. Sang năm thứ 2, được cán bộ HLV Ninh Bình hướng dẫn trồng theo quy trình VietGAP, hiệu quả khác hẳn. Mỗi cây thu về 400.000 -500.000 đồng, cá biệt có cây chỉ cho 9 quả nhưng tôi có thu 1,2 triệu đồng”. Ông Đinh Thế Lữ, Phó chủ tịch HLV Ninh Bình cho biết: “Chủ trương phát triển kinh tế trang trại theo hướng VietGAP đã được triển khai tại các tỉnh, thành từ lâu, tuy nhiên, ở Ninh Bình thì chưa phổ biến. Chúng tôi quyết định đem VietGAP đến với hội viên thông qua một vài mô hình điểm, từ đó nhân rộng. Hiệu quả của các mô hình chưa thực sự ấn tượng, nhưng tôi tin nếu kiên trì và vận động khéo léo, chắc chắn nông nghiệp Ninh Bình sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe cộng động, đó cũng chính là mục tiêu chúng tôi hướng tới”. Tố Loan |