Lập nghiệp từ... lươn

Lập nghiệp từ... lươn
Những năm gần đây, nhiều thanh niên vùng biên giới Tân Châu (An Giang) đầu tư nuôi lươn thương phẩm. Không cần vốn lớn, kỹ thuật lại tương đối đơn giản, nhưng hiệu quả vẫn cao.
 

Vượt khó

Tống Văn Trường (ngụ ấp Tân Phú B, Phó bí thư Đoàn xã Tân An) nhìn già dặn hơn tuổi 26. Từ năm lớp 9, anh đã nhận vác lúa thuê cho nhà máy xay xát gần nhà. Càng trưởng thành, anh biết mình càng phải tự lập nhiều hơn. Hai năm trước, chuẩn bị tiền cưới vợ, anh còn đầu tư nuôi 3 con trâu; ba mẹ anh nhờ thế đỡ lo chi phí…  

Tại xã Tân An, phong trào nuôi lươn nở rộ trong những năm qua. Thấy hiệu quả, Trường nghĩ phải áp dụng theo. Anh xây dựng nền tảng kinh tế cho gia đình riêng của mình bằng quyết định đầu tư nuôi 500 con giống trong bạt mủ. Đây là mô hình hiệu quả cho người dân nông thôn, bởi không tốn nhiều diện tích, có thể tận dụng khoảng trống trước sân hoặc ngay dưới sàn nhà nuôi. Mấy vụ vừa qua, giá lươn bán tương đối cao (trung bình 120 nghìn đồng/kg) nên đều cho thu nhập khá. “Hai vụ vừa rồi mình thu hoạch tàm tạm nên quyết định nuôi thêm…”, Trường nói. Vụ này, anh thả mới 2.500 con giống. “Nuôi lươn phù hợp điều kiện công tác của mình. Chiều xong việc cơ quan, về cho lươn ăn, tiện lắm”.

Nuôi lươn cần ít vốn đầu tư, cho thu nhập cao - Ảnh: BN 

 Theo Trường, trong tay có ít hay nhiều vốn đều có thể đầu tư nuôi lươn. Như anh, lúc đầu ít tiền, nuôi bằng bồn bạt mủ, sau đầu tư xây chắc chắn để nuôi lâu dài. Thường xuyên đọc báo, nghe đài, tìm hiểu thông tin, kỹ thuật, là bí quyết để anh nuôi hiệu quả hơn… Nhờ nuôi lươn mà gia đình Trường có thu nhập ngày càng khá hơn.

Dám đầu tư

Anh Hồ Văn Tuấn, ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Lộc chia sẻ: Anh cũng là người đầu tiên trong xã nuôi lươn. Ban đầu chỉ dám thả 1 bồn, số lượng 1.000 con giống. Tổng chi phí đầu tư 5 triệu đồng, cuối vụ thu được 15 triệu đồng lãi. Tuy nhiên, do ít kinh nghiệm, vụ đầu tiên số lượng con giống lươn hao hụt đến 70%. “Lúc đó mình còn thiếu kỹ thuật. Phải chi dùng bả ủ mới, sát trùng bồn nuôi kỹ, lựa con giống chết và sống thật kỹ khi thả thì kết quả đã khả quan nhiều…”, anh nói. Vụ sau đó số lượng con giống lươn hao hụt giảm đáng kể. Bồn lươn 1.500 con đã đem lại lợi nhuận gấp đôi. “Nuôi lươn số lượng càng nhiều thì lợi nhuận thu được càng lớn. Và nếu mua lươn cỡ lớn nuôi thì ít tốn thức ăn hơn lươn nhỏ…”, anh chia sẻ. Chăn nuôi thành công, anh vẫn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ người nuôi xung quanh, và luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật với người mới bắt đầu nuôi… Cá, ốc xay nhuyễn là mồi lươn ăn. Mùa nước nổi dễ tìm; còn mùa khô, anh và nhiều thanh niên trong xóm phải lặn lội đến cánh đồng ven xã Omsono (Campuchia) tìm bắt. Từ thực tế trên, Tuấn đúc kết: Nuôi lươn với số lượng ít hơn vào mùa khô. Sau 5 - 6 tháng, người nuôi xuất bán lươn loại 1 có trọng lượng trên 200 g; loại 3 được giữ  lại nuôi tiếp vài tháng rồi bán. Tỷ lệ lươn loại 1 anh Tuấn nuôi đạt luôn nhiều và thường trọng lượng 300 - 700 g. Tuấn tiết lộ: Vụ bán lươn vừa rồi lãi hơn 30 triệu đồng. Niềm vui còn được nhân lên, bởi từ số tiền chăn nuôi lươn dành dụm 5 năm qua, anh đủ tiền... cưới vợ.

Tháng vừa qua, Trạm Khuyến nông TX Tân Châu (An Giang) tổ chức hội thảo “Sử dụng thức ăn công nghiệp trong mô hình nuôi lươn thương phẩm”. Theo Trạm,  nuôi lươn thương phẩm ở đây phần lớn sử dụng thức ăn tươi sống (ốc, cua, cá...). Người nuôi lươn gặp nhiều khó khăn trong mua gom, không đủ lượng cung cấp, giá lại tăng cao và gây ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi lươn “sử dụng thức ăn công nghiệp” đang được nhiều hộ dân các xã Long An, Tân An, Phú Lộc, Vĩnh Xương thử nghiệm thành công.

>> Ngày càng nhiều thanh niên nông thôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, làm giàu tri thức, phát triển kinh tế gia đình. Họ đang góp phần đáng kể vào hoạt động xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở nông thôn.

Bình Nguyễn
Theo TSVN