Liên kết tiêu thụ nông sản sạch
- Thứ tư - 07/02/2018 09:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhu cầu về nông sản, thực phẩm của Hà Nội khá lớn, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn cung thực phẩm tại chỗ mới đáp ứng được từ 40 đến 60% nhu cầu. Mặt khác, nhiều loại nông sản thu hoạch theo mùa vụ nên Hà Nội rất cần mở rộng hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố để đưa nông sản sạch về Thủ đô tiêu thụ.
Chị Đặng Thị Thúy Hằng, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Moomoo Farmily tại 101 Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy cho hay: Nông sản đặc sản của các tỉnh được người tiêu dùng Hà Nội rất ưa chuộng, nhưng trước đây để tìm được địa chỉ tin cậy, bảo đảm chất lượng khá nan giải. Thông qua chương trình kết nối giữa ngành Nông nghiệp Hà Nội với các tỉnh, các nhà cung cấp đã tìm được nguồn nông sản, thực phẩm sạch, uy tín.
Không những khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân liên kết phát triển các chuỗi cung ứng nông sản tiêu thụ ngay tại thị trường Thủ đô, nhiều nông sản của Hà Nội cũng đã có mặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các chương trình kết nối. Ông Phùng Quốc Lượng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Kinh doanh và Dịch vụ Đồng Thái, huyện Ba Vì cho biết, năm qua, hợp tác xã đã tham gia hội chợ quảng bá nông sản Hà Nội, nhờ vậy sản phẩm của địa phương đã được doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong nước đến ký hợp đồng tiêu thụ. Qua đó, mở hướng đi mới cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ khoai lang Đồng Thái.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện thành phố đã xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm gồm: 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt, trong đó 7 chuỗi rau, thịt tại 6 cơ sở sản xuất và 11 điểm bán hàng được xác nhận sản phẩm an toàn.
Theo ông Chu Phú Mỹ, tích tụ ruộng đất là bài toán khó đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi triển khai các mô hình sản xuất quy mô lớn ở Hà Nội. Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh đã liên kết xây dựng mô hình sản xuất tại nhiều tỉnh, thành phố. Đơn cử, mô hình sản xuất nông sản và sữa sạch của Tập đoàn TH True Milk. Tập đoàn này đã đầu tư, xây dựng nhiều vùng sản xuất tại các tỉnh, thành phố và chọn Hà Nội là thị trường tiêu thụ tiềm năng...
Từ thực tế cho thấy, để tăng cường hơn nữa mối liên kết, lưu thông hàng hóa, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong trao đổi thông tin. Đồng thời, phải tạo điều kiện để gắn kết, giảm khoảng cách giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, trước mắt, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và bình ổn thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Về lâu dài, thành phố sẽ liên kết với các tỉnh, thành phố cả trong sản xuất và tạo lập chuỗi thị trường giao thương bền vững.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, TP Hà Nội sẽ tập trung đầu tư 2 chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Bên cạnh đó, chỉ đạo sở, ngành liên quan tổ chức phân luồng giao thông, tạo điều kiện tốt nhất cho phương tiện vận tải đưa nông sản sạch về Thủ đô tiêu thụ...