Liên kết vùng với giống lúa chạy lũ RVT: Bước ngoặt sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh

Liên kết vùng với giống lúa chạy lũ RVT: Bước ngoặt sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh
“Chạy đua với trời” là phương châm sản xuất vụ hè thu của nông dân Hà Tĩnh, bởi bao đời nay năm nào cũng như năm nào người dân Hà Tĩnh phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời rốt cuộc, "cho chộ không cho ăn", đó là câu nói buông xuôi của người Hà Tĩnh. Để tạo cú đột phá với mặc cảm trên, năm 2012, hai huyện Đức Thọ và Cẩm Xuyên bắt tay thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng mẫu với giống lúa hàng hoá RVT trên diện tích hơn 1.000 ha. Đây là giống lúa mới xuất hiện để cứu tinh cho nông dân Hà Tĩnh.
 
     
 Những cánh đồng cò bay thẳng cánh
Sau công cuộc chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2, đồng ruộng Hà Tĩnh trở thành cánh đồng cò bay thẳng cánh như ruộng đồng Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh...bình quân mỗi hộ dân giảm từ 5-6 thửa xuống còn 1-3 thửa. Khi đồng ruộng được mở rộng thênh thang, vụ hè thu năm 2012, hai huyện Đức Thọ và Cẩm Xuyên xắn tay vào cuộc thực hiện “cuộc cách mạng” liên kết vùng giữa thôn này với thôn kia, xã này với xã khác đồng lòng chung sức cùng nhau xây dựng mô hình cánh đồng mẫu với một giống lúa RVT, đây là giống lúa tiến bộ được Bộ NN-PTNT công nhận. Kết quả, chưa đầy 100 ngày “thai nghén” mô hình này đã thành công rực rỡ, "lúa  về đầy bồ rồi, mà mưa lũ vẫn chưa đến". Nông dân Hà Tĩnh nhìn lên trời vỗ tay hoan hỷ.

Cánh đồng mẫu liền thôn ở xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ
 
Ông Trần Hữu Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện chúng tôi xây dựng đề án sản xuất tập trung giống lúa RVT với 849 ha thuộc 16 xã có diện tích sản xuất lúa lớn như Đức Thanh, Tùng Ảnh, Đức Thuỷ, Đức Lâm, Trung Lễ, Thái Yên, Đức Nhân, Đức Long, Bùi Xá…và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của hầu hết bà con.

 “Nhờ sự đồng tình ủng hộ của người dân cộng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền huyện, xã trong suốt quá trình sản xuất nên vụ hè thu năm nay chắc chắn Đức Thọ sẽ hoàn thành thu hoạch trước 20/9, đúng với kế hoạch UBND tỉnh đề ra. Như vậy, quá trình liên kết vùng với việc sản xuất một giống lúa đã đưa ruộng đồng quy về một mối, đẩy nhanh tiến trình tích tụ ruộng đất, góp phần giải quyết bài toán sản xuất hè thu né tránh mưa lũ miền Trung khắc nghiệt”- Ông Bé nói.

Huyện Cẩm Xuyên cũng quy hoạch hơn 20 ha đất ruộng liền thôn, liền vùng, liền thửa của thôn  3 và 4 thuộc xã Cẩm Thăng để sản xuất giống lúa nguyên chủng RVT.

Lúa RVT ở Cẩm Xuyên cho năng suất trên 3 tạ/sào
 
Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói: Qua tham quan, khảo sát thực tế ở một số địa phương đã sản xuất giống RVT, chúng tôi nhận thấy đây là giống lúa phù hợp với đồng đất ở Cẩm Xuyên. Vì vậy, vụ hè thu năm nay chúng tôi phối hợp với Trung tâm giống cây trồng Trung ương, Sở khoa học công nghệ Hà Tĩnh triển khai mô hình liên kết vùng sản xuất giống lúa nguyên chủng RVT ở xã Cẩm Thăng. Kết quả thu hoạch cho thấy, việc sản xuất theo quy mô tập trung diện tích, sử dụng một giống lúa chủ lực không chỉ tăng hiệu quả về năng suất mà còn tăng cả về chất lượng và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
 
Ông Hải cho biết, thành công này là một bước ngoặt lớn của huyện bởi từ trước tới nay người dân vẫn giữ quan điểm cố chấp, “trung thành” với giống lúa dài ngày IR 1820. Nhưng nay “du nhập” được giống ngắn ngày RVT vào sản xuất, chắc chắn sản lượng lương thực của Cẩm Xuyên sẽ còn tăng lên rất nhiều.
 
          RVT là loại giống số 1
          Theo đề án sản xuất của tỉnh Hà Tĩnh, vụ hè thu năm nay phải hoàn tất thu hoạch trước ngày 20/9. Như vậy, giống lúa RVT đã đạt yêu cầu về thời vụ. Còn về năng suất, chất lượng, nông dân Hoàng Văn Huấn, xóm 3 Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên khẳng định: “Đây là giống lúa cho năng suất cao nhất từ trước tới nay trong vụ hè thu. Bình quân mỗi sào đạt từ 3-3,2 tạ/sào cao hơn các giống lúa khác từ 50-70kg/sào. Chất lượng gạo thì khỏi phải nói, vừa trắng, vừa thơm lại rất dẻo và có vị đậm đà”.  Ông Huấn cho biết, trên cơ sở thành công vụ hè thu năm nay, những mùa vụ tới, ông sẽ cơ cấu giống RVT là số 1, sau đó mới đến các giống lúa khác.

Nông dân xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) thắng lớn vụ hè thu nhờ lúa RVT
 
Còn ông Phan Đăng Đức, Chủ nhiệm HTX Đông Văn, xã Đức Thuỷ, huyện Đức Thọ nói: “RVT là giống lúa rất phù hợp với điều kiện đất đai ở Đức Thuỷ, lúa không chỉ tốt mà còn đẻ khoẻ, chống đổ tốt và năng suất đạt khá cao”.
 
Vụ hè thu năm nay, HTX Đông Văn sản xuất hơn 57/150 ha giống lúa RVT. Đến nay, nhiều hộ dân đã hoàn thành thu hoạch với năng suất đạt từ 48-50 tạ/ha, cao hơn giống lúa HT1, bắc thơm số 7 từ 2-3 tạ/ha. “Cùng gieo cấy một lúc, chăm bón như nhau nhưng đến nay lúa RVT đã cho thu hoạch nhưng một số giống lúa khác thì chỉ mới chín được 40-50% nên nguy cơ gặp lũ là rất cao. Giống lúa RVT cũng vượt trội hơn hẳn các giống lúa khác về thời gian sinh trưởng (từ 95-100 ngày); kháng chịu tốt các loại sâu bệnh như nấm, sâu đục thân, rầy nâu”- Ông Đức cho biết thêm.
 
Được biết, đến nay toàn bộ diện tích sản xuất giống RVT ở Cẩm Xuyên đã thu hoạch xong, tại Đức Thọ, bà con đang tập trung thu hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 20/9.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trăn trở nhất hiện nay của người dân vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều hộ dân chia sẻ, họ rất đồng tình với quan điểm xây dựng một nền SX nông nghiệp hàng hoá nhưng để SX bền vững, chính quyền cấp trên cần có giải pháp bao tiêu sản phẩm giúp bà con an tâm SX.
 
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng: mô hình liên kết vùng, sản xuất một giống lúa tập trung ở Đức Thọ và Cẩm Xuyên đã tạo thành một vùng SX lúa hàng hoá chất lượng cao, thay đổi tư duy SX tiểu nông của người nông dân, góp phần mở ra hướng đi mới cho SX nông nghiệp toàn tỉnh. “Có thể khẳng định RVT là giống lúa phù hợp với “con nhà nghèo” Hà Tĩnh, giống lúa này không chỉ có thời gian sinh trưởng ngắn; chống chịu được sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh; chất lượng gạo ngon mà còn cho giá trị kinh tế cao hơn các giống lúa khác. Có thể khẳng định, đây là giống lúa chạy lụt số 1”- Ông Việt nói.
 
Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, lãnh đạo đốc Sở NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm giống cây trồng Trung ương (đơn vị cung ứng giống) xây dựng quy trình SX phù hợp nhất với đất ruộng Hà Tĩnh nhằm tăng năng suất; hạn chế tỷ lệ hạt lúa lem lép tiến tới nhân rộng mô hình trên địa bàn các huyện còn lại của tỉnh.
                                                                        Thanh Nga
Báo Nông nghiệp Việt Nam