Lợi ích từ nuôi ong lấy mật

Lợi ích từ nuôi ong lấy mật
Huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có trên 270.000ha rừng và khoảng 1.500ha cây ăn quả (chủ yếu là nhãn, vải, mận). Đây chính là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển nghề nuôi ong lấy mật, mang lại nguồn thu đáng kể giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Nghề nuôi ong lấy mật giúp nhiều gia đình thóat nghèo.
Nghề nuôi ong ở Lộc Bình có từ lâu, tuy nhiên, trước đây bà con chỉ phát triển tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm mật ong nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ngày càng phát triển, nhất là tại các xã vùng cao như Mẫu Sơn, Bằng Khánh, Đồng Bục, Xuân Dương, Ái Quốc…

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình anh Chu Văn Vương (thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh), một trong những hộ nuôi ong thành công nhất vùng. Anh Vương cho biết, vườn nhà anh có nhiều cây ăn quả, ban đầu chỉ nuôi 2 - 3 đàn để lấy mật. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà con ong đem lại, anh Vương học tập kinh nghiệm từ sách báo, mô hình nuôi ong ở các nơi để vận dụng vào thực tế sản xuất. Đến nay, anh có trên 50 đàn ong. Trung bình mỗi năm, một đàn ong cho 15 - 20 lít mật. Với giá bình quân 200.000 đồng/lít, gia đình anh thu trên 150 triệu đồng/năm từ việc bán mật và phấn hoa.

Ở Lộc Bình, ngoài hộ anh Vương còn có nhiều gia đình nuôi ong với số lượng lớn như anh Nguyễn Văn Toán (xã Bằng Khánh) có 17 đàn, anh Triệu Chằn Lỷ (xã Mẫu Sơn) 10 đàn, anh Hoàng Văn Len (xã Đồng Bục) 15 đàn… Đặc biệt, gia đình ông Triệu Sáng Lùng (thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn) có 20 đàn ong, mỗi năm thu trên 200 lít mật, thu nhập gần 50 triệu đồng. Ông Lùng cho biết: “Từ khi phát triển nghề nuôi ong lấy mật, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm”.

Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Lộc Bình còn góp phần tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng mùa màng. Thiết nghĩ, đây là nghề có thể nhân rộng ở nhiều địa phương miền núi.

Hoàng Văn Hương

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn