Mở đường cho nông thôn mới
- Thứ hai - 21/05/2012 21:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làm giàu từ “tiểu lộ”
“Cát ba - đủ, đá hai - đủ, xi măng một - đủ”, tiếng đếm vật liệu cấp vào cối trộn của ông Hoàng Văn Các lẫn giữa tiếng máy trộn bê tông chạy rầm rập trong cái nắng oi ả đầu hè. Mới cuối tháng 4, nhưng ở vùng bán sơn địa này, hơi nóng hắt lên từ mặt đường bê tông đã hong những đọt búp non của rặng nhãn cổ chạy dọc đường làng héo xoăn lại.
Năm nay đã hơn 70 tuổi, ông Các và bốn cụ ông khác trong Hội Cựu chiến binh xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam vẫn đội nắng, bám rất sát hiện trường để “canh” cánh thợ làng đang nhễ nhại tay thước, tay đầm dàn những khối bê tông trên đoạn đường liên xã.
Có chân trong đội giám sát thi công công trình đường liên thôn qua Đội 14 dài hơn 1 km, nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” mới của các cụ là quản thật chặt số xi măng được tỉnh hỗ trợ, kiểm tra xem đội thợ có sử dụng vật liệu đúng và đủ theo hướng dẫn rút gọn được ghi trong cuốn cẩm nang làm đường giao thông nông thôn hay không.
Có thể “giám sát cộng đồng” là khái niệm còn xa vời ở đâu đó, nhưng ở Thi Sơn, những “tai, mắt” của nhân dân đầy nhiệt tình, trách nhiệm như ông Các là cơ sở để đảm bảo rằng, từng cân xi măng của Nhà nước, từng viên đá mà doanh nghiệp tài trợ hay từng đồng vốn của nhân dân đóng góp khó mà chạy khỏi công trường.
Là một trong những xã được UBND tỉnh Hà Nam chọn làm “điểm” để triển khai xây dựng phong trào nông thôn mới, chỉ trong vòng 3 năm (2009 - 2011), Thi Sơn đã huy động được hơn 73 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó 85% là từ ngân sách xã và nhân dân địa phương đóng góp. Tính bình quân, mỗi khẩu ở Thi Sơn đã góp gần 1 triệu đồng để đầu tư xây dựng đường làng - một con số đáng mơ ước ngay cả đối với người dân thành thị vốn được hưởng quá nhiều tiện ích của Nhà nước xét trên khía cạnh tinh thần vì cộng đồng.
Đoạn đường dài hơn 1 km đang thi công qua Đội 14 là khúc đường liên thôn cuối cùng của xã Thi Sơn chưa được bê tông hóa. Rộng 5 m, chiều dày lớp mặt bê tông 20 cm, có hệ thống thoát nước dọc tuyến, nên nếu không có vài đoạn chạy qua cánh đồng lúa đang trổ cờ, thì khó có thể hình dung đây là trục giao thông của một xã thuần nông bán sơn địa.
Nằm cách Thi Sơn không xa, thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa vốn được nhiều người biết đến bởi sự kiện “làng Nhô” vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã nức tiếng trong tỉnh Hà Nam về khoản làm đường.
Ở thôn nhỏ bé từng là một “vùng quê không yên tĩnh” này, trong vòng 10 năm (2001 - 2010), 1.400 hộ dân Lạc Nhuế đã góp tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng để bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường giao thông, gồm đường liên thôn, đường ra đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khang trang đã giúp người Lạc Nhuế mở mang sản xuất.
Ông Phạm Văn Tâm, Xóm trưởng Xóm 5, đèo tôi bằng xe máy chạy vòng quanh ngôi làng trên những con đường bê tông rộng rãi. Tay ông chỉ chỗ này là trang trại của tỷ phú Trịnh Văn Bản chuyên nuôi gà công nghiệp và lợn siêu thịt, chỗ kia là xưởng mộc của chị Phạm Thị Hoa chuyên sản xuất khung ảnh cung cấp khắp các tỉnh phía Bắc. Mỗi cơ sở, trang trại như vậy tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 - 40 lao động với thu nhập 1 - 2 triệu đồng/tháng.
Đường vào lòng dân
Bên lề Hội nghị Tổng kết 10 năm phong trào phát triển giao thông nông thôn cả nước (2001 - 2010) và triển khai chiến lược phát triển đến năm 2020, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức ở Hà Nam hồi giữa tháng 4, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Tấn Viên cho rằng, không phải công trình đường cao tốc, hay sân bay, bến cảng, chính hệ thống đường giao thông nông thôn mới là công trình lớn nhất, hiệu quả nhất, tiêu biểu nhất của ngành giao thông.
Trong 10 năm qua, từ Hà Giang tới Cà Mau, từ Đắc Lắc tới Thái Bình, cả nước đã xây dựng mới được 37.000 km đường, nâng cấp 26.000 km đường nhựa và 48.000 km đường bê tông xi măng, với tổng vốn lên tới 86.969 tỷ đồng, trong đó có gần 24.000 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.
Khác với những năm 80 của thế kỷ trước,việc làm đường giao thông nông thôn mới dừng ở mức “xóa đói đường”, khi tuyệt đại đa số tuyến đường có quy mô nhỏ, thậm chí ngay ở nhiều con đường bê tông, người dân sẵn sàng “trồng” thêm vài cột bê tông ở đầu và cuối tuyến để cấm xe ô tô qua lại, phong trào làm đường hiện đã có những bước chuyển biến về chất.
Tại hầu hết các xã đang triển khai đề án nông thôn mới, đường được mở rộng 3 - 5 m, thảm bê tông xi măng 20 cm. Cùng với việc chấp thuận đóng góp nhiều thêm, người dân sẵn sàng hiến đất để nắn thẳng, mở rộng thêm các tuyến đường cũ.
Tại buổi lễ tổng kết, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ ý đồng thuận với lập luận của ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An, xã điểm về giao thông ở tỉnh Quảng Nam: Không chỉ để thỏa ước mơ “con” là có xe taxi vào tận ngõ đón người đi tỉnh, mà chỉ có làm đường đủ lớn, đặc biệt là các tuyến đường ra đồng, mới đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp thành công.
Theo nongthonmoi.gov.vn