Mô hình nông nghiệp tương tác khách hàng

Cho khách đến vườn được tự tay trồng, chăm sóc và thu hái sản phẩm... là ý tưởng về mô hình nông nghiệp sạch tương tác với khách hàng của Cty TNHH Thương mại Vuông Tròn. Mô hình đang được nhân rộng tại một số tỉnh phía Nam...
Mô hình nông nghiệp tương tác khách hàng
Các nhân viên Cty Vuông Tròn chăm sóc dưa

Tự tin khởi nghiệp.

Sinh ra ở tỉnh Hải Dương, nhưng từ nhỏ Nguyễn Minh Nhân theo gia đình vào TP.HCM sinh sống. Ý tưởng kinh doanh nông nghiệp luôn thôi thúc Nhân. Ngay sau khi ra trường, anh quyết tâm SXKD rau củ quả sạch.

Từ thời sinh viên, Nhân đã có nhiều dịp cùng bạn bè lặn lội xuống miền Tây để tham quan thực tế các mô hình trồng rau sạch, anh rất ngỡ ngàng và trăn trở chuyện SX của nông dân.
Qua tìm hiểu anh thấy họ rất sáng tạo, chịu khó và mạnh dạn đầu tư vào chăm sóc các mô hình rau quả sạch, nhưng lại bí đầu ra cho sản phẩm.

Có siêu thị trên thành phố đặt hàng nhưng cũng chỉ thu mua số lượng hạn chế, sản phẩm làm ra không tiêu thụ hết bà con đành phải bán rẻ. Nhiều người đầu tư SX rau quả sạch nhưng lại đành quay về cách làm cũ.

“Thực tế mình thấy hiện làm nông nghiệp dù có áp dụng công nghệ cao, đạt chuẩn nhưng giá cả đầu ra vẫn không như kỳ vọng, do điều kiện, tập quán của người tiêu dùng.

Tôi nung nấu ý tưởng muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp để khách hàng tin tưởng chất lượng. Họ còn được trực tiếp học tập, biết cách SX một quả dưa, bó rau như thế nào. Hơn nữa, mình phải làm cái gì đó mới lạ, rút kinh nghiệm từ những cách làm trước”, Nhân hào hứng nói.

Các phương pháp bước đầu làm mà Nhân chia sẻ là khi lập trang trại ươm giống, khách đặt mua cây sau đó trang trại sẽ trồng, chăm sóc cho đến khi ra trái, đưa đến giao tận tay họ. Cây sẽ có đầy đủ “hồ sơ”, gồm bảng tên khách, ngày tháng trồng…

Các thông tin về quá trình sinh trưởng, phát triển của những loại cây đó đều được trang trại gửi thường xuyên cho khách hàng qua email hoặc tin nhắn. 

Ngoài ra, hàng tuần, hàng tháng, trang trại còn tổ chức các “tua” tham quan vườn để khách hàng có thể tận tay chăm sóc sản phẩm của mình. Họ được trải nghiệm thực tế cảm giác trồng, chăm sóc cây, thu hái và hoàn toàn yên tâm khi sở hữu các sản phẩm này.

Lúc đầu khi đưa ra ý tưởng làm nông nghiệp kiểu tương tác, Nhân đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các thành viên tham gia.

Cùng thời điểm này, TP.HCM có các dự án hỗ trợ SX sạch thông qua Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp (Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM). Đề án của Nhân cùng các cộng sự đã được chấp nhận.

Đây cũng là bước khởi nghiệp, đánh dấu sự ra đời của Cty TNHH Thương mại Vuông Tròn do Nhân là một trong những thành viên sáng lập. 

“Chúng tôi cũng mới chỉ tập trung phục vụ cho khách khu vực TP.HCM, vì những nơi xa không có điều kiện tới vùng SX. Khách hàng cũng chưa rộng mà chỉ tập trung vào những người có điều kiện. Họ quan tâm tới sức khỏe, nên giá sản phẩm dù gấp đôi quả dưa bán ngoài chợ nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền mua. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình theo hướng SX hữu cơ và tăng cường thêm các mặt hàng rau quả khác!”, anh Nhân nói.

Tuy nhiên, từ lúc lên ý tưởng cho đến thực hiện SXKD, nhóm cộng sự của Nhân đã phải trải qua nhiều biến cố. Thực tế, 3 thành viên trong nhóm khi bắt tay vào làm lại chẳng ai có kiến thức nông nghiệp (vì học trái ngành gồm 2 kinh tế, 1 tin học) nên SX hết sức vất vả, cây nhiễm bệnh, sản phẩm hỏng... Nhân tâm sự: “Mới đầu, mất một khoảng thời gian dài chúng tôi không có nguồn thu, đi mua thiếu từng bao phân để SX.

Thậm chí trong lúc cạn kiệt vốn, đã có người hỏi mua lại doanh nghiệp với mức giá lời, nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn tự tin mình thành công và cố gắng duy trì trang trại”.


Liên kết xây dựng mô hình.

Sau quá trình vất vả tìm kiếm học hỏi kinh nghiệm từ những đơn vị SX khác, cuối cùng đã có một kỹ sư nông nghiệp bắt tay hợp tác. Cây trồng được chọn phù hợp hơn, đó là giống dưa lưới Bảo Khuê chất lượng trái đẹp, ăn ngon, rất được người dùng chuộng.

Sau khi ươm giống thành công, mỗi cây con được bán cho khách hàng với giá 250.000 đồng. Cây sẽ được trang trại chăm sóc cho đến khi ra trái, thu hoạch quả, với cam kết mỗi cây có ít nhất 1 trái 2-2,5 kg sau 3 tháng. Dẫn chúng tôi ra khu vườn dưa SX theo quy trình NNCNC, 


15-43-48_nh-3


Nhân vui vẻ giới thiệu: “Ban đầu đưa ra ý tưởng, nhiều người nói chúng tôi điên. Muốn ăn rau, quả gì người ta ra chợ mua, không ai kiên nhẫn chờ đến 3 tháng để được ăn một quả dưa.Nhiều người lo hình thức đầu tư của chúng tôi sẽ không ổn, nhiều rủi ro, nhưng không hiểu sao bản thân tôi vẫn tin mình làm được”.

Theo anh, ngoài tổ chức cho khách hàng tháng đến tham quan, chăm sóc cây của mình, khi tới ngày thu hoạch, khách cũng sẽ được thông báo để đến vườn tự tay thu hái sản phẩm.

Những khách không có điều kiện thu hoạch thì nhân viên trang trại sẽ thu hộ, sau đó đưa đến tận nhà. Sản phẩm không đạt kết quả, Cty sẽ báo cho khách và hoàn tiền, hoặc đổi cây mới trong vụ sau.

Kết quả, Nhân cùng nhóm bạn mình bước đầu đã làm thành công. Từ vài chục khách đặt hàng đợt đầu, đến vụ thứ 5 dưa cho năng suất tốt và đã tăng lên được hơn 200 khách. Từ đó, đi vào SX ổn định dần, sau khi trừ các chi phí, Cty đã có lời ít nhiều.

Sản phẩm của Vuông Tròn không tập trung vào siêu thị mà chủ yếu phân phối tới tận tay khách hàng lẻ, là những người tiêu dùng trực tiếp. Đây là hướng bền vững nhất để đảm bảo đầu ra, không bị phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Bán lẻ và chăm sóc khách hàng tốt, sản phẩm tốt, uy tín thật sự thì tự khắc khách hàng cũ sẽ nhân thêm khách hàng mới. An

h Lê Nho Hùng, GĐ Cty TNHH Thương mại Vuông Tròn cho biết: “Hiện Cty chúng tôi chỉ SX mỗi vụ khoảng 6.000 m2, không đủ cung cấp cho khách hàng, có những khách đến đặt mua với số lượng nhiều.

Thực tế nguồn cung chính của Vuông Tròn vẫn là các nhà hàng, khách sạn, còn bán lẻ với kiểu kinh doanh “độc” này là để gây dựng thương hiệu. Sản phẩm chủ lực của chúng tôi vẫn là dưa lưới và đang hướng tới SX rau hữu cơ”.

Theo anh Hùng, kiểu SXKD mà Vuông Tròn đang thực hiện chỉ hợp với những hoa màu có giá trị kinh tế cao, thu hoạch 1 lần như dưa lưới, dưa hấu, một số loại rau; rất khó để trồng ớt, trồng cà, vì những loại này phải thu hoạch nhiều lần, khó kiểm soát trong quá trình canh tác.

Theo Nongnghiep.vn