Mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót

Chăn nuôi heo là một trong những thế mạnh phát triển tại xã Thiện Nghiệp, Phan Thiết. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc xử lý chất thải không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường là một vấn đề gây nhiều bức xúc.
Mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót
 

Từ ngày 26/10, đề tài “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men” được triển khai tại thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp đã mở ra một hướng mới nhiều hứa hẹn cho thế mạnh chăn nuôi heo tại đây.

Bà Nguyễn Thị Lai – thôn Thiện Hòa đã đăng ký tập huấn mô hình. Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày 26/10, bà Lai đã thả 15 heo con vào khu chuồng mới, áp dụng đầy đủ các điều kiện của mô hình “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men”. Bà Nguyễn Thị Lai chia sẻ niềm vui: “Gia đình hiện đang nuôi 60 con heo. Tuy hằng ngày luôn vệ sinh chuồng trại nhưng mùi hôi vẫn còn quanh quẩn. Qua mô hình nuôi heo trên đệm lót lên men tôi tin rằng việc nuôi heo sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn”.

 
1
Lứa heo đầu tiên được nuôi trên đệm lót tại xã Thiện Nghiệp.
 
Ông Trần Ngọc Hận – Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết: Hiện nay, xã Thiện Nghiệp có hơn 400 hộ chăn nuôi heo, với quy mô trên dưới 50 con/hộ. Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất xả thải từ chăn nuôi heo là một vấn đề nan giải của địa phương. Mặc dù nhiều gia đình đã vệ sinh chuồng trại thường xuyên, xử lý phân, nước thải và thực hiện xây hầm chứa Biogas, nhưng mùi hôi từ những trại chăn nuôi heo vẫn không dứt.

Chăn nuôi heo trên đệm lót là giải pháp hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho chăn nuôi do tận dụng được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp. Làm đệm lót rất đơn giản, nguyên liệu là bột bắp, mùn cưa, trấu... thay cho xi măng. Người nuôi chỉ cần tưới nước cho nền ướt, tưới dịch men và rắc phấn cám trộn với men vi sinh, sau đó trộn cho đều, dùng nylon đậy lại; sau 2 - 3 ngày, lấy tấm nylon ra và xới lên, để 1 giờ sau thì thả heo vào nuôi. Với diện tích chuồng nuôi khoảng 20m2, chi phí làm đệm lót khoảng 3 triệu đồng. Đệm lót có thời gian sử dụng khoảng 4 năm cho nhiều lứa heo. Sau giai đoạn nuôi, đệm lót trở thành phân bón cho cây trồng.

Mô hình “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men” tại xã Thiện Nghiệp do Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết làm chủ đề tài có tổng kinh phí 122 triệu đồng. Khi mô hình này được nghiệm thu thành công sẽ được các hộ chăn nuôi heo tại Phan Thiết áp dụng đại trà. Riêng đối với Thiện Nghiệp, đề tài này cũng là cơ sở để xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhờ khắc phục được tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi.

 
Châu Tỉnh
Theo baobinhthuan