Mô hình…trăm triệu
- Thứ năm - 29/01/2015 04:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả từ sáng tạo
Sau 2 năm, anh Hồ Khắc Hưng mày mò, tận tuỵ với những bể nuôi lươn, từ 18 bể nuôi năm ngoái anh mở rộng thành 25 bể, mỗi năm nuôi 2 vụ cho thu hoạch hơn 2 tấn/vụ; với giá bán 120 - 140.000 đồng/kg đã cho thu nhập trên 250 triệu đồng. Vụ nuôi đầu tiên, với kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều anh thả nuôi trong 18 bể với mật độ 40 - 50 con/m2, các vụ nuôi tiếp theo anh đã mạnh dạn đầu tư thêm 7 bể, và mật độ thả lên 70 - 90 con/m2.
Cứ mỗi năm anh thả nuôi 2 lứa, mỗi lứa nuôi 4 - 5 tháng là cho thu hoạch. Khi đó lươn đạt 5 kg/m2, tương đương một bể nuôi cho 1,5 tạ lươn. Kích cỡ thu hoạch đạt 0,2 - 0,3 kg/con, tỷ lệ sống khoảng 70%. Khi lươn đạt cỡ thu hoạch và trước khi xuất bán nên ngừng cho lươn ăn một ngày. Khi đánh bắt dùng vợt xúc nhẹ nhàng, tránh xây xát. Anh cũng chia sẻ, với hình thức nuôi lươn không bùn, bể nuôi luôn sạch sẽ, chất lượng sản phẩm đảm bảo nên rất dễ tiêu thụ. Giá bán lươn hiện nay khoảng 140.000 đồng/kg.
Dù đã có nhiều hình thức nuôi lươn, như nuôi lươn trong bạt nilon, nuôi lươn trong ao đất, hay nuôi lươn có bùn nhưng anh nhận thấy, hình thức nuôi lươn không bùn trong bể xi măng có nhiều lợi thế vì sử dụng bể nuôi cố định, lâu dài, dễ chăm sóc, quản lý… và phù hợp với điều kiện nuôi ở quê mình nên anh đã không ngần ngại lựa chọn cách nuôi này.
Nuôi lươn không bùn tận dụng được diện tích nhỏ quanh nhà - Ảnh: PTC
Chú trọng chăm sóc
Được biết, từ khi anh thực hiện mô hình thành công, đã có nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đã được anh hướng dẫn tận tình từ các khâu như xây bể, chọn giống, chăm sóc quản lý, thu hoạch.
Đối với bể nuôi, mỗi bể anh xây với diện tích 30 m2, độ dốc mặt đáy 5 - 7% về phía cống thoát để tháo và cấp nước thuận tiện, bể xây cao khoảng 50 - 60 cm. Dùng sạp làm bằng tre và có phủ lưới khoảng 2/3 diện tích đáy, ¼ bể thả cây lục bình làm chỗ trú cho lươn. Trên bể, anh làm mái che lợp bằng tranh có diện tích chiếm 2/3 mặt bể để mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Sau khi xây bể xong dùng thân chuối hột và dùng phèn chua (2 kg/bể) ngâm với nước xử lý bể trong 7 - 10 ngày, sau đó xã hết nước và cấp nước mới khoảng 25 - 30 cm vào nuôi. Để đề phòng lươn tuồn ra ngoài khi có lũ lụt hoặc mưa lớn anh bao quanh một lớp lưới cao 25 cm.
Con giống cũng được anh mua từ những người dân đánh bắt tự nhiên, qua những thương lái thu mua. Sau đó, cẩn thận phân cỡ, lựa chọn và loại những con yếu để khi đưa vào nuôi dễ chăm sóc, tránh lươn ăn thịt lẫn nhau. Kích cỡ giống thả 40 - 50 con/kg, mật độ 1,8 kg/m2 (70 - 90 con/m2). Anh Hưng cho biết, theo kinh nghiệm không nên thả lươn đạt kích cỡ quá lớn hay quá bé sẽ khó thuần dưỡng và chậm phát triển. Giống được đưa về phải tắm bằng nước muối 3%, thời gian 15 - 20 phút để phòng bệnh. Anh dùng thêm Rifamlife -một loại thuốc có tác dụng chữa mất nhớt cho lươn và sử dụng thay nước muối rất hiệu quả.
Thức ăn cho lươn ăn là dùng cá tạp xay nhỏ trộn với cám gạo, trong đó cá tạp chiếm 75 - 80% (cá phải loại ngon, không được dùng cá đã bị ôi) cho ăn 1 lần/ngày lúc chiều tối (18 - 19 h). Tùy theo giai đoạn phát triển và điều kiện môi trường thời tiết để cho lươn ăn với lượng phù hợp. Lúc lươn mới thả, để tập cho lươn quen dần với cách cho ăn khác với ngoài tự nhiên, anh dùng thêm giun đất cho ăn vào buổi tối. Vì nuôi lươn bằng hình thức này môi trường yêu cầu phải luôn sạch sẽ nên sau 2 giờ cho ăn cần thay nước, tránh để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường bể nuôi. Nên cho lươn ăn gần với cống thoát nước để tiện cho việc vệ sinh bể và cho ăn tại một điểm cố định để tạo thói quen từ đầu.
Định kỳ, mỗi tháng sau 10 - 15 ngày nuôi, bổ sung men tiêu hoá, men vi sinh cho lươn và trộn Viramin C vào thức ăn cho lươn ăn hàng ngày để lươn nhanh lớn, tăng sức đề kháng. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên quan sát nếu con nào bị xây xát phải tách riêng để chữa trị, tránh lây cho cả đàn.
>> Nuôi lươn không bùn là hình thức nuôi mới tại Hà Tĩnh, tuy nhiên, còn những khó khăn như nhu cầu và chất lượng con giống; mô hình còn mang tính tự phát. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần xây dựng, hướng dẫn, hoàn thiện quy trình nuôi, giúp người dân học hỏi kinh nghiệm để có hiệu quả tốt nhất. |
Nguyễn Hoàn
(Trung tâm Khuyến ngư Hà Tĩnh)