Mô hình trồng nấm tạo bước chuyển mới

Mô hình trồng nấm tạo bước chuyển mới
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn với hàng chục dự án, mô hình như: Nuôi tôm thẻ chân trắng, gà đẻ trứng Ai Cập, thanh long ruột đỏ, rau an toàn…. Trong đó, một số mô hình đang bắt đầu “bén rễ” và phát huy hiệu quả, đơn cử như mô hình nuôi nấm thương phẩm - nấm dược liệu.
 


Thời gian gần đây, sản phẩm nấm ăn trên địa bàn huyện Đông Triều đã dần được thị trường chấp nhận và ngày càng có uy tín với các nhà phân phối. Do nguyên liệu làm nấm đều là phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ, lõi ngô, bã mía, cám gạo, bột ngô…, nên Đông Triều không chỉ phát huy được lợi thế để phát triển nghề trồng nấm mà còn bảo vệ được môi trường khi các gói phụ phẩm sau khi thu hoạch nấm được đưa ra phơi khô và chuyển lại đồng ruộng để tạo mùn, tăng độ phì cho đất.

Đến nay, huyện Đông Triều đã kết hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mô hình sản xuất lớn theo chuỗi công nghệ kỹ thuật, quy trình sản xuất nấm khép kín. Các sản phẩm nấm ăn và nấm Linh Chi được sản xuất theo phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học, yêu cầu môi trường sản xuất như phòng thí nghiệm, phòng khử trùng bằng tia cực tím, phòng máy tạo khí ôzôn, hệ thống phòng nuôi sợi nấm, phòng thúc mầm, phòng hãm và phòng phát triển nuôi cấy nấm (phòng quả thể) phải đảm bảo chống được tạp khuẩn và các bệnh hại do sinh lý của thân, mầm nấm gây ra….
Do nấm là sản phẩm quốc gia được ưu tiên đầu tư phát triển, nên huyện Đông Triều đang được UBND tỉnh Quảng Ninh giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng mô hình tại Công ty TNHH Long Hải và tiến tới trở thành trung tâm sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Theo đánh giá ban đầu của chính quyền các xã, các hộ dân tham gia sản xuất nấm đã triển khai hiệu quả và bắt đầu thu hoạch có lãi.
Đại diện Hội Nông dân xã Yên Đức cho biết, với tổng số vốn 100 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn xây dựng nông thôn mới để triển khai mô hình tại xã, Hội Nông dân huyện Đông Triều đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho các hộ dân, từ ủ rơm, đảo rơm, chặt rơm đến vào giống. Trong mỗi giai đoạn của quá trình trồng nấm, Hội Nông dân huyện đã cử cán bộ trực tiếp xuống từng hộ dân để hướng dẫn phối hợp thực hiện.
Do tổ chức tốt từ khâu triển khai đến thực hiện dự án nên mô hình trồng nấm tại xã Yên Đức đã thu được hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động với thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Văn Đại - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Triều cho biết: “Trong thời gian tới đây, Hội Nông dân huyện Đông Triều sẽ tiếp tục triển khai mô hình ở một số xã có nhu cầu và điều kiện phù hợp để tăng thu nhập cho nông dân và đảm bảo được việc làm cho lao động dôi dư trong nông nghiệp”.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình này, UBND huyện Đông Triều và một số doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty TNHH Long Hải đang tiếp tục liên doanh với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) theo phương châm kết hợp “ba nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà sản xuất) nhằm tiếp nhận các giống nấm mới và giống nấm dược liệu quý về sản xuất. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống nấm cho nhân dân các xã tham gia trồng nấm vụ thu đông 2013.
Cùng với việc tiếp thu, đưa công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống nấm cho các hộ dân trên địa bàn, mô hình trồng nấm đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đông Triều./.
Hồng Lý
Nguồn ven.vn